Trại thực nghiệm trồng hoa tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp sáu tháng đầu năm nay đạt hơn 9.089 tỷ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trồng trọt tăng 1,36%, chăn nuôi tăng 0,69% và thủy sản tăng 5% so cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Giảm dần diện tích trồng lúa, mía, diện tích làm muối hiệu quả thấp để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai, nuôi chim yến… Tính đến năm 2022, giá trị sản xuất bình quân trên đất sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt 570 triệu đồng/ha, tăng 10,4% so cùng kỳ 2021.
Các chuyên gia cho rằng, dù trong bối cảnh nào, hiện tại cũng như tương lai, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Bởi, nông nghiệp là một nền kinh tế tổng hợp gồm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp và là nguyên liệu đầu vào cho nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến.
Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lực lượng lao động, ngành nông nghiệp của thành phố còn là nơi cung cấp những mặt hàng nông, thủy sản tươi sống thiết yếu như rau, hoa, sinh vật cảnh, thịt, trứng, sữa và thủy sản cho khu vực nội thị. Quan trọng hơn, nông nghiệp của thành phố là nghiên cứu, sản xuất và cung ứng nguồn giống mới chất lượng cao, các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại cho các địa phương trong cả nước; tạo không gian xanh phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của người dân thành phố và khách du lịch.
Ngành nông nghiệp cũng có vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng sinh thái và giảm thiểu tác động xấu do đô thị hóa, biến đổi khí hậu gây ra. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đinh Minh Hiệp, cho biết: Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao...
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của thành phố nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Thành phố cũng tận dụng lợi thế về khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất, cung cấp giống cây, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao cho các tỉnh, thành phố khu vực phía nam và cả nước. Hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại, thành phố đã ban hành Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên từ 75-85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố; hơn 70% hộ nông dân, hơn 80% doanh nghiệp và hơn 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp thành phố tập trung chuyển đổi nhanh từ sản xuất các sản phẩm truyền thống sử dụng nhiều đất và lao động sang đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao. Phát huy vai trò, thế mạnh của thành phố là trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi để cung ứng giống nông nghiệp mới, dịch vụ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại cho cả nước.
Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông dân phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, hỗ trợ ứng dụng các công cụ, giải pháp, phần mềm, nền tảng số, thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. “Ngành nông nghiệp thành phố cũng tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, nghiên cứu nhân giống, chọn tạo giống mới”, ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm.
Tạo tiền đề cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển, thời gian tới, thành phố tập trung nâng cấp, mở rộng đưa vào sử dụng hiệu quả từ ba đến bốn khu nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực giống thủy sản nước mặn/lợ với quy mô gần 90 ha tại huyện Cần Giờ và ba khu nông nghiệp công nghệ cao khác đều nằm trên địa bàn huyện Củ Chi gồm: Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch quy mô hơn 23 ha, Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, quả), thủy sản (cá cảnh) với quy mô 200 ha, Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực giống gia súc, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi với quy mô 200 ha.
Ngoài ra, thành phố còn nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Xây dựng mới Trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi heo, bò thịt để các đơn vị này trở thành nòng cốt trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Theo Nhân Dân