Phòng dịch COVID-19 trong chợ, siêu thị

11/01/2022 - 06:36

 - Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại là những nơi tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người. Việc tuân thủ, chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm trên là hết sức quan trọng, nhất là vào dịp mua sắm cuối năm.

Cuối tháng 12-2021, Sở Công thương An Giang phối hợp các ngành chuyên môn giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Riêng hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng còn lại, Sở Công thương An Giang đề nghị Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố chủ trì, tham mưu UBND cấp huyện triển khai theo dõi, giám sát. Nội dung kiểm tra bao gồm việc thực hiện quy định, kế hoạch phòng, chống dịch tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng; tình hình mua bán và dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế...

Siêu thị, chợ, trung tâm thương mại thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: HẠNH CHÂU

Qua giám sát, đoàn liên ngành đánh giá, các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Điển hình, siêu thị Co.opmart Long Xuyên bố trí nhân sự phục vụ, lượng hàng hóa khá dồi dào. Ngoài bán hàng trực tiếp cho người dân, hiện nay đơn vị duy trì kênh bán hàng trực tuyến, chủ yếu là thực phẩm tươi sống. Chị Huỳnh Thị Hoa (khách hàng mua sắm) cho biết, mua hàng hóa tại đây bằng hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến từ 1-2 lần/tuần, khá yên tâm, tin tưởng vào cách thức phòng, chống dịch của siêu thị. Nhân viên sát khuẩn, yêu cầu khách hàng quét mã QR trước khi vào mua sắm.

Tại chợ Cái Dầu (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), đoàn đánh giá địa phương và Ban Quản lý chợ thực hiện tương đối tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, đề nghị địa phương và đơn vị bố trí thêm mã QR, tuyên truyền thông điệp “5K” tại lối vào chợ, để hộ tiểu thương và khách hàng khai báo y tế theo quy định. Chợ cần bố trí thêm thùng rác, xà bông, dung dịch sát khuẩn tại lối ra vào chợ và nhà vệ sinh. Yêu cầu tiểu thương đeo khẩu trang đúng quy định, ký cam kết bằng văn bản về phòng, chống dịch COVID-19 với Ban Quản lý chợ.

Đánh giá việc thực hiện thông điệp “5K” tại Trung tâm thương mại thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), đoàn ghi nhận các biện pháp tích cực, như: Bố trí vách ngăn giữa tiểu thương và khách hàng, dán mã QR tại Ban Quản lý chợ. Thời gian qua, Ban Quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 để tiểu thương, người dân nâng cao ý thức, không chủ quan, lơ là.

Trưởng ban Quản lý chợ Lê Hữu Danh cho biết, hàng ngày phát loa tuyên truyền 3 lần; trang bị nhiều khẩu hiệu, bảng thông báo để tác động trực quan đến người dân. Đơn vị tiếp thu góp ý của đoàn kiểm tra cấp tỉnh và địa phương, sau khi kiểm tra đã bố trí thêm nước sát khuẩn tại lối ra vào chợ. Đồng thời, tăng cường truyền thông, bổ sung đường dây nóng tại vị trí thuận lợi để hộ tiểu thương, khách hàng liên hệ khi cần thiết.

Ảnh: MỸ HẠNH

Đối với các chợ truyền thống, đoàn kiểm tra đánh giá: Hầu hết thực hiện khá tốt thông điệp “5K” trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Chưa có phương án đóng/mở cửa hoạt động trở lại khi khắc phục an toàn phòng, chống dịch tại chợ. Một số nơi chưa bố trí khu vực cách ly y tế tạm thời (khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh); chưa có vách ngăn, ngăn cách giữa hộ tiểu thương và khách hàng… Một số chợ chưa trang bị thùng rác có nắp đậy hoặc trang bị chưa đủ xà bông, dung dịch sát khuẩn. Có nơi chưa duy trì vệ sinh khử khuẩn thường xuyên.

Qua đó, đoàn đã hướng dẫn, đưa ra những giải pháp giúp địa phương khắc phục tồn tại, thiếu sót, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch tốt hơn trong thời gian tới. Đoàn kiểm tra còn yêu cầu Ban Quản lý chợ, tiểu thương phải thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 theo Quyết định 5619/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng” định kỳ 1 tuần/lần.

Cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tăng mạnh. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch rất cao. Bên cạnh chủ động cung ứng mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, các siêu thị, chợ tiếp tục được ngành chức năng địa phương theo dõi, hướng dẫn. Tùy theo biến động, ảnh hưởng của dịch bệnh, phương án chuẩn bị, cung ứng phù hợp được thực hiện.

MỸ HẠNH