Quốc gia có thể thay Nga trở thành trung tâm cung cấp khí đốt cho EU

09/03/2022 - 19:00

Tây Ban Nha sở hữu hơn một phần ba (35%) công suất lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu, có tiềm năng trở thành trung tâm cung cấp khí đốt cho EU.

Theo trang tin Euractiv.com ngày 8/3, Tây Ban Nha, quốc gia sở hữu khả năng lưu trữ khí đốt lớn nhất EU, có thể lấp đầy khoảng trống khí đốt do Nga để lại do hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine. 

Tuy nhiên, các kết nối hạn chế của nước này với phần còn lại của châu Âu tiếp tục là một thách thức.

Xung đột Nga-Ukraine có thể gây ra gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ảnh: NDTV.com

Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIP), hiệp hội các nhà khai thác cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, gồm 67 công ty từ 26 Quốc gia, Tây Ban Nha hiện sở hữu hơn 1/3, tương đương 35% công suất lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu. 

Với công suất 3,31 triệu m3, Tây Ban Nha đứng đầu danh sách các nước lưu trữ khí đốt lớn nhất của châu Âu. Tiếp theo là Anh, chiếm 22% công suất lưu trữ LNG (2,09 triệu m3); Pháp (14%, tương đương 1,35 triệu m3), Bỉ (6%, tương đương 0,56 triệu m3) và Italy (5%, tương đương 0,54 triệu m3), số liệu liệu của GIP cho biết.

Tây Ban Nha cũng dẫn đầu về năng lực tái cung cấp khí đốt, cho phép nước này có thể đảm bảo một phần an ninh nguồn cung khí đốt cho các nước láng giềng EU.

Ngoài khả năng lưu trữ và tái cấp khí, kết nối của nước này với Algeria - nơi cũng có trữ lượng khí đốt lớn - có thể giúp Tây Ban Nha trở thành một giải pháp thay thế cho việc cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Âu trong trường hợp bị gián đoạn do xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Tây Ban Nha không có kết nối hạ tầng với hệ thống khí đốt trung tâm châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Gonzálo Escripano, Giám đốc Chương trình Năng lượng và Khí hậu tại Viện Hoàng gia Elcano, một trong những tổ chức tư vấn uy tín nhất của Tây Ban Nha, cho biết không thể chấp nhận được việc Tây Ban Nha tiếp tục là một “hòn đảo” châu Âu về năng lượng, ám chỉ đến việc Tây Ban Nha gần như độc lập với hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Tây Âu.  

Trong những tuần gần đây, nhiều người đã kêu gọi việc nối lại xây dựng đường ống dẫn khí Midcat, dự án kết nối khí đốt mới với Pháp, đã bị đình trệ do các cơ quan quản lý của Tây Ban Nha và Pháp phản đối.

Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)