Quy định mới về đối tượng và mức đóng bảo hiểm y tế

27/11/2018 - 07:37

 - Ngày 17-10-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018. Một trong những điểm mới của nghị định là bổ sung thêm nhóm đối tượng và mức tham gia BHYT liên quan.

Đối tượng tham gia BHYT theo nghị định được chia thành các nhóm: do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng; do ngân sách nhà nước đóng; được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; tham gia BHYT theo hộ gia đình; do người sử dụng lao động đóng. Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định thêm nhóm BHYT, do người sử dụng lao động đóng, gồm thân nhân của các đối tượng sau: công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội; công nhân công an đang phục vụ trong công an nhân dân; người làm công tác khác ngành cơ yếu. Nghị định bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm: chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Theo nghị định, mức đóng BHYT hàng tháng của các đối tượng được quy định như sau:

Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với các đối tượng sau: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động, trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh; người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác.

Với đối tượng là nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mức đóng BHYT được quy định như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc giảm trừ mức đóng BHYT được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Quy định mới về đối tượng và mức đóng bảo hiểm y tế

Tư vấn và trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo

 Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên nếu có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

 Trường hợp đối tượng tham gia BHYT là nhóm do người sử dụng lao động đóng (theo quy định tại Điều 6 của nghị định) đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại các Điều 1, 2, 3 và 4 của nghị định thì đóng BHYT theo thứ tự như sau: do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan BHXH đóng; do ngân sách nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng.

Nghị định quy định về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng: hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo. Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với: người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 3 của nghị định. Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Ngoài ra, nghị định còn quy định cụ thể về thẻ BHYT; mức hưởng, thủ tục khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; hướng dẫn thanh toán chi phí KCB giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB và với người tham gia BHYT; hướng dẫn quản lý và sử dụng quỹ BHYT...

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn rõ thủ tục KCB BHYT, yêu cầu cơ sở KCB, cơ quan BHXH không được quy định thêm thủ tục KCB BHYT ngoài các thủ tục:  người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; các giấy tờ chứng minh nhân thân. Trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh. Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT. Trường hợp chuyển tuyến KCB, người tham gia BHYT phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở KCB và giấy chuyển tuyến. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB. Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích