Quy hoạch lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm

09/03/2020 - 06:54

 - Nhằm nâng cao đời sống của nông dân, những năm qua, TX. Tân Châu (An Giang) đã quy hoạch lại các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững. Chính cách làm đó, nhiều mô hình sản xuất đã ra đời, góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống của người nông dân.

Từ lúa, thủy sản…

Đi đầu trong việc tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ là nông dân các địa phương: Phú Vĩnh, Châu Phong, Tân Thạnh, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa. Sản phẩm chủ lực của địa phương là lúa, cá tra đã được quy hoạch theo hướng chuyên canh, đồng thời áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị sản phẩm.

Cụ thể, đối với cây lúa, ngay khi có chủ trương thực hiện chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, TX. Tân Châu đã tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) như: Thịnh Phú An Giang, Tấn Vương… ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn, tạo ra vùng chuyên canh trồng lúa mang tính sản xuất tập trung, chất lượng, sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Bằng cách làm này, DN có vùng nguyên liệu ổn định, nông dân có đầu mối tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá cả phải chăng, từ đó họ đã gắn bó với nhau, cùng nhau phát triển.

“Sản xuất có hợp đồng tiêu thụ, bà con chỉ cần tập trung vào khâu kỹ thuật. Trước đây, bản thân tôi cũng như nhiều nông dân khác chạy theo sản lượng. Nay, chúng tôi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng để có thị trường tiêu thụ ổn định” - ông Trần Văn Tuấn (thành viên HTX nông nghiệp Tân Thạnh) quyết tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư thị sát tình hình triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa

Ngoài việc quy hoạch lại vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, TX. Tân Châu còn vận động nông dân từng bước nâng diện tích trồng lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Hiện, cơ cấu giống lúa chất lượng cao trên địa bàn chiếm đến 96,5% (tăng 1,3% so năm 2013). Nông dân tiếp tục duy trì, áp dụng chương trình sản xuất như: “3 giảm, 3 tăng” ở 98% diện tích gieo trồng hàng năm. Riêng chương trình “1 phải, 5 giảm” có 66,14% diện tích áp dụng (tăng 16% so năm 2013). Cơ giới hóa trong thu hoạch đạt 100% (so với năm 2013 là 99%).

Đối với mặt hàng cá tra, TX. Tân Châu cùng với tỉnh quy hoạch vùng nuôi cá tra giống chất lượng cao tại cồn Vĩnh Hòa (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa), đồng thời mời gọi DN về đây đầu tư. Kết quả, đã có 3 DN lớn về đây tổ chức sản xuất giống cá tra chất lượng cao theo chương trình giống cá tra 3 cấp, gồm: Công ty Cổ phần Việt - Úc An Giang, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Nguyên Phương. Ngoài nuôi cá giống, các DN này còn tổ chức nuôi cá thịt để xuất khẩu.

…đến các loại cây trồng khác

“Dự kiến đến tháng 6-2020, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang cho ra đời mẻ cá tra giống đầu tiên chất lượng cao để phục vụ cho các DN, nông dân nuôi cá tra xuất khẩu trong khu vực. Con giống mà Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang sản xuất ra là con giống sạch bệnh, có tỷ lệ sống cao, đồng thời khi mang đi fillet thì DN sẽ thu hồi được lượng thịt rất tốt” - ông Võ Minh Khôi (Quyền Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc An Giang) chia sẻ.

Quy hoạch lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, TX. Tân Châu đã gắn việc quy hoạch vùng sản xuất với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương. Ngoài lúa, cá tra, địa phương quy hoạch vùng chuyên canh rau màu, chuyên canh cây ăn trái, nấm ăn và nấm dược liệu. Cụ thể, duy trì quy mô diện tích canh tác trên 1.500ha hoa màu tại các xã: Long An, Châu Phong, Phú Vĩnh, Tân An, Tân Thạnh...

Thực hiện hiệu quả mô hình ươm cây giống trong nhà màng với tổng diện tích 2,44ha. Mô hình này cho lợi nhuận bình quân 250 triệu đồng/ha/năm (cao hơn so với sản xuất hoa màu trước đây khoảng 205 triệu đồng/ha/năm); mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 0,4ha, lợi nhuận trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha…

TX. Tân Châu đã đầu tư hệ thống thủy lợi công nghệ cao vùng chuyên canh rau màu xã Phú Vĩnh, với quy mô phục vụ sản xuất 52ha. Hiện thị xã đang phấn đấu đến cuối năm 2020, trên địa bàn sẽ hình thành vùng chuyên canh rau màu chất lượng cao theo chuỗi liên kết, phục vụ nhu cầu chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các DN.

“5 năm qua, việc quy hoạch lại các vùng sản xuất trên địa bàn đã tạo ra bước chuyển biến mới trong sản xuất. Việc quy hoạch từng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ đã giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, đời sống nông hộ được nâng lên bình quân 52 triệu đồng/người/năm, so với đầu nhiệm kỳ đã tăng lên đáng kể…” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

“Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngoài việc quy hoạch lại các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, TX. Tân Châu đã vận động nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: trồng cây, nuôi cá trong nhà màng, nhà lưới để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu; áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho cây trồng; quy hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Chính cách làm này, giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng lên 180 triệu đồng/ha/năm, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê chia sẻ

MINH HIỂN