Sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở huyện An Phú

01/05/2023 - 06:25

 - Những năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, tổ chức cho nông dân tham gia hội thảo, trình diễn mô hình sản xuất; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận, áp dụng nhiều mô hình sản xuất thiết thực, mang lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Văn Lợi (xã Khánh An) với mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng

Với sự điều hành của UBND huyện An Phú, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, với tổng sản lượng lương thực 226.927 tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 183,5 triệu đồng/ha/năm. Thủy sản thu hoạch 22.000 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm 293.796 con, tăng 8.396 con so năm 2021…

Huyện triển khai 4 mô hình: Phát triển rau màu đông xuân - rau màu xuân hè - lúa mùa nổi kết hợp khai thác thủy sản dựa vào cộng đồng, tổng diện tích thực hiện hơn 36ha tại xã Phú Hữu; mô hình chuyển đổi lúa 3 vụ sang trồng bưởi Năm Roi (hơn 14ha); mô hình trồng sen kết hợp khai thác thủy sản (65ha); mô hình lúa đông xuân an toàn sinh học và rau màu vụ hè thu (27ha).

Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú Phùng Thế Vinh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, toàn huyện phát triển 19 nhà màng trồng dưa lưới và rau màu ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích hơn 2ha. Có 43 nhà lưới giá rẻ (diện tích từ 250 - 500m2/nhà lưới) trồng rau ăn lá, ươm giống cây con và trồng 4 loại nấm bào ngư (hoàng kim, hồng ngọc, sò thái, bào ngư xám). Gần 2.000ha ứng dụng hệ thống tưới phun trên rau màu và cây ăn trái. Các mô hình đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân và tiếp tục khuyến khích nhân rộng.

Nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả khá cao. Điển hình là nông dân Lý Văn Tu (ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) mua thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa.

“Nhờ thường xuyên xem báo, đài và tìm hiểu thực tế, nhận thấy thiết bị drone phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả nên tôi đã mua 1 máy trị giá 400 triệu đồng. Qua học hỏi, tìm hiểu, chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã sử dụng thành thạo các tính năng và bắt đầu phun thuốc trên đồng lúa của gia đình; sau đó làm thêm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy này cho nhiều nông dân ở địa phương và khu vực lân cận” - anh Tu chia sẻ.

Nông dân huyện An Phú ứng dụng thiết bị drone vào sản xuất nông nghiệp

Cũng theo nông dân này, thiết bị drone vận hành đơn giản, giúp giảm lượng nước cần dùng để pha thuốc, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách), giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt ít ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người phun thuốc. Mỗi ngày, trừ chi phí, anh Tu thu lợi nhuận khoảng 1,5 - 2 triệu đồng…

Đến nay, người dân ở các xã: Nhơn Hội, Quốc Thái, Phú Hội, Vĩnh Lộc... tự đầu tư 4 thiết bị drone để phun thuốc và bón phân, năng suất bình quân 10ha/giờ (tương đương 80ha/ngày làm 8 giờ). Ngoài ra, có trên 95% nông dân sử dụng kỹ thuật đắp bờ ruộng bằng máy móc, thay thế hầu như hoàn toàn lao động chân tay.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra nông sản an toàn đã và đang được nông dân An Phú mạnh dạn thực hiện. Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng được nông dân đầu tư sản xuất mang lại thu nhập ổn định.

“Với mong muốn mang đến sản phẩm rau sạch phục vụ người tiêu dùng, tôi mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng với diện tích 350m2. Hình thức canh tác thủy canh này là không dùng đất, bộ rễ cây được nuôi dưỡng, phát triển trong nước có sử dụng các thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Áp dụng bằng phương thức sản xuất thông minh và không phun thuốc trừ sâu, hóa chất, nên cung cấp rau sạch, an toàn, chất lượng” - anh Nguyễn Văn Lợi (xã Khánh An) chia sẻ.

Vườn rau thủy canh của anh Lợi trồng 4 loại chính, gồm: Cải thảo, cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách. Trung bình mỗi ngày cung ứng từ 25 - 30kg rau các loại cho các hộ bán lẻ và bà con trong xóm. Với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Mặc dù ứng dụng công nghệ trồng rau sạch trong nhà màng, nhưng giá bán tương đương với các loại rau sản xuất thông thường, nên tiêu thụ ổn định, được nhiều người chọn mua.

Theo Phòng NN&PTNT huyện An Phú, nếu khai thác triệt để thì sản lượng rau sạch mỗi ngày có thể cao hơn. Nếu liên kết với siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh, ký kết tiêu thụ... thì giá sẽ cao hơn và thu nhập tăng lên. Đây là mô hình khá triển vọng, nông dân cần mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất.

Việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và triển khai nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được nông dân ở huyện An Phú áp dụng hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. 

HỮU HUYNH