Tái tạo nguồn lợi thủy sản

02/11/2020 - 17:31

 - Việc nhiều tổ chức, cá nhân nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp hàng tỷ đồng để thả cá bản địa về sông là tín hiệu tích cực về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi phong trào thả cá được lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trực tiếp bổ sung nguồn cá giống về tự nhiên mà còn mang ý nghĩa tích cực lâu dài.

Như thông lệ hàng năm, cứ vào mùa nước nổi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang lại phối hợp Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tỉnh An Giang tổ chức lễ thả cá bản địa về thiên nhiên. Hoạt động này được duy trì liên tục gần 10 năm nay.

Năm 2020, khu vực sông Vàm Nao tiếp tục được chọn tổ chức lễ thả cá. Sông Vàm Nao là đoạn nối lớn nhất của sông Tiền và sông Hậu, nơi nổi tiếng với nhiều loài cá sông lớn, quý hiếm nên chọn đoạn sông này thả cá là rất phù hợp. Năm 2019, lễ thả cá cũng được tổ chức ở khu vực bến phà Thuận Giang nhưng phía bờ huyện Chợ Mới, còn năm nay là bên phía bờ huyện Phú Tân. Do lễ thả cá trùng vào ngày rằm tháng 9 âm lịch (31-10-2020) nên thu hút rất đông tín đồ PGHH tham gia. Nhiều người tập trung về địa điểm thả cá rất sớm, chuẩn bị số lượng lớn cá giống với nhiều loại cá phong phú, đa dạng để hưởng ứng hoạt động thả cá về sông.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT An Giang, lễ thả cá về bản địa năm nay nhận được sự hưởng ứng tích cực của 146 tổ chức và 323 cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm thả cá, ban tổ chức nhận được tổng kinh phí đóng góp gần 1,1 tỷ đồng (gồm tiền mặt và cá các loại), trong đó, Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 16.000 con cá hô và bông lau (những loài cá quý). Thống kê sơ bộ, có 18.730kg và 100.550 con cá giống đặc sản đã được thả về sông (quy ra tổng số lượng cá gần 1,12 triệu con) bao gồm: cá bông lau, cá hô, mè hôi, vồ đém, chạch lấu, lăng nha, nàng hai…

Trước đó, từ năm 2012 - 2019, ngành nông nghiệp đã phối hợp vận động thả 118,6 tấn cá giống về sông, gồm các loại cá như: cá hô, cá ét, mè hôi, cá cóc, cá chép, cá basa, vồ đém, chạch lấu, cá chày, bông lau, điêu hồng, cá tra... Tổng số tiền quy đổi tương tương 5,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách 811 triệu đồng (chiếm gần 14%), còn lại khoảng 5 tỷ đồng là nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại An Giang góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh vật, nhất là phát triển các loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên của vùng ĐBSCL.

Những hoạt động thả cá được duy trì thường xuyên như ở An Giang góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đó là cách làm hay cần được duy trì và nhân rộng.

N.H