Tân Châu đẩy mạnh sản xuất vụ 3

26/10/2021 - 06:04

 - Với sản xuất vụ 3, một mặt tạo sinh kế cho người dân trong mùa dịch, mặt khác tạo đà thúc đẩy cho tăng trưởng trên địa bàn TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) những tháng cuối năm. Từ lúa, cá đến rau màu, cây ăn trái, tất cả đều được đẩy mạnh sản xuất theo tín hiệu của thị trường.

Từ lúa, cá…

Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê cho biết, địa phương xác định trong bối cảnh hiện nay, tạo sinh kế cho người dân là việc làm cần thiết. Bên cạnh lo giải quyết sinh kế cho người dân tại chỗ, TX. Tân Châu còn chăm lo cho lao động ngoài tỉnh trở về địa phương, áp lực cho công tác an sinh xã hội là rất lớn. Mùa lũ năm nay, nơi nào đảm bảo đê bao an toàn, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nông dân sản xuất.

Đa phần diện tích nông nghiệp ở 14 xã, phường trên địa bàn TX. Tân Châu, nông dân đều xuống giống sản xuất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản... Nếu ở xã Tân An, Châu Phong, Tân Thạnh, Phú Lộc, nông dân đẩy mạnh sản xuất lúa thu đông thì ở xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Long An, ngoài cây lúa, rau màu, nông dân còn đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Các đối tượng được nông dân thả nuôi là cá tra giống, lươn thịt, cá điêu hồng, cá thát lát cườm... Đây là các loài thủy sản có đầu ra ổn định, nông dân có kinh nghiệm sản xuất trong nhiều năm. “Đón đầu cơ hội thị trường tăng nhu cầu tiêu thụ, tôi thả cá bột vào ao để bán cá tra giống. Đến nay, cá đã nuôi được 2 tháng” - ông Nguyễn Văn Tánh (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn được đẩy mạnh

Sản xuất vụ 3, nông dân trên địa bàn TX. Tân Châu đã biết phát huy lợi thế so sánh của từng vùng đất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, mang giá trị cao để đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường. Nghề nuôi cá tra giống là một điển hình. Trong hơn 20 năm qua, người dân xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An đã biết phát huy lợi thế so sánh của vùng đất, thành lập các tổ kiên kết sản xuất, hợp tác xã thủy sản để sản xuất ra các con giống cá tra khỏe, mang thương hiệu Tân Châu, xuất bán cho các doanh nghiệp và chủ trang trại lớn ở ĐBSCL. Nhờ đó, nghề nuôi cá tra giống góp phần giải quyết cho hàng ngàn lao động ở nông thôn có việc làm ổn định. Phát triển thủy sản ở Tân Châu rất đa dạng, phong phú từ hình thức đến đối tượng nuôi. Từ nuôi hầm, bè đến nuôi trong bể, giúp người dân có thu nhập quanh năm.

…đến rau màu, cây ăn trái

Diện tích đất sản xuất vụ 3 năm nay ở TX. Tân Châu giảm so với cùng kỳ năm 2020 khoảng 5%. Cụ thể, diện tích xuống giống lúa 8.553ha, diện tích màu 806ha. Nguyên nhân sụt giảm là do có một số vùng bờ bao, nông dân đề nghị tạm ngưng sản xuất, cho đất nghỉ ngơi, tập trung cho vụ đông xuân. Mặt khác, giá vật tư tăng cao đã làm một số hộ tính toán lại, sợ hiệu quả sản xuất không có. “Nông dân chúng tôi kiến nghị, nhà nước cần quản lý giá vật tư nông nghiệp, chứ một bao phân urê mà giá lên đến 780.000 đồng thì sản xuất làm sao có lời. Ngoài phân bón, thì thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng” - ông Trần Văn Tám (nông dân xã Tân An) kiến nghị.

Trồng rau màu đáp ứng nhu cầu thị trường

Gia đình ông Tám trồng được 3ha ớt chỉ thiên. Năm nay lũ nhỏ, ở vùng đất cồn Liệt Sĩ (ấp Tân lợi, xã Tân An, TX. Tân Châu), nông dân trúng đậm mùa ớt. Bình quân nông dân thu hoạch được 3 tấn trái/ha. Với giá bán 24.000 đồng/kg, nông dân thu được đến 72 triệu đồng/ha.

Ngoài cây ớt, các loại dưa leo, cà chua, bầu, bí cũng được nông dân tập trung trồng, đưa đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn. Bình quân mỗi ha rau, màu, giải quyết từ 7-10 lao động địa phương có việc làm ổn định, giảm bớt được áp lực về an sinh xã hội. “Mỗi đợt bẻ ớt, tôi thuê 12 lao động. Thời điểm ớt chín rộ, trên diện tích 3ha, phải thuê đến 22 người. Ớt có giá, thuê lao động bẻ ớt không ngán tiền” - ông Tám chia sẻ.

Để sản xuất vụ 3 đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp Tân Châu đang tiếp tục khuyến cáo nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, trên cây lúa, tiếp tục thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; trên rau màu, áp dụng biện pháp tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, đẩy mạnh sản xuất trong các nhà màng, nhà lưới để hạn chế sâu bệnh. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khuyến cáo nông dân chọn con giống khỏe, sạch bệnh, nuôi thưa, chú ý đến yếu tố môi trường để tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

“Định hướng của chính quyền địa phương trong sản xuất vụ 3 là có thị trường mới tổ chức sản xuất, đây là yếu tố quyết định đến tính hiệu quả của mùa vụ. Sản xuất vụ 3 năm nay hơi bất lợi, bởi giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá lúa tăng không đáng kể. Dù vậy, vẫn góp phần tạo sinh kế cho người dân trong mùa dịch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự và an toàn xã hội” - ông Châu Đặng Văn Nê phân tích

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN