Tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao

08/05/2020 - 03:59

 - Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cơ cấu giống lúa trên địa bàn An Giang đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Những giống lúa có phẩm chất thấp được thay thế bằng các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu “ăn ngon” của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao

An Giang quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng cây lúa. Ảnh: N.C

Nâng cao giá trị

An Giang là một trong các tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo của cả nước, góp phần đáng kể vào đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Tỉnh luôn đảm bảo tổng diện tích xuống lúa hàng năm ổn định ở mức khoảng 600.000ha, sản lượng bình quân xấp xỉ 4 triệu tấn lúa/năm.

Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cơ cấu giống lúa trên địa bàn An Giang có sự thay đổi mạnh mẽ. Những giống lúa có phẩm chất thấp được thay thế bằng các giống lúa vừa có năng suất cao, chất lượng thơm ngon đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, vừa có sức chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ là những yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất lúa gạo, đồng thời là yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng hạt gạo.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp An Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân giảm lượng giống gieo sạ; tập trung nâng chất chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có 560.000ha áp dụng thành công quy trình “3 giảm, 3 tăng” (chiếm 90% tổng diện tích xuống giống), 300.000ha áp dụng thành công “1 phải, 5 giảm” (đạt 47% tổng diện tích xuống giống), hơn 90% diện tích sử dụng giống xác nhận. Ghi nhận tại các địa phương thực hành tốt giảm lượng giống gieo sạ như: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Tri Tôn, nông dân đã tiết kiệm đến 18% chi phí sản xuất lúa.

Về cơ cấu giống lúa, tiếp tục được chuyển đổi tích cực. Nếu như những năm 2000, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao còn thấp thì đến năm 2019, có khoảng 70% diện tích sử dụng các loại giống có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4218, OM6976, Japonica, nếp CK92… Trên địa bàn An Giang đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản cung ứng xuất khẩu.

Chú trọng chất lượng lúa giống

Để đảm bảo công tác cung ứng lúa giống phục vụ sản xuất, An Giang đã phát triển 200 tổ hợp tác sản xuất giống với diện tích 20.000ha và thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng các đơn vị sản xuất giống. Mỗi năm, các tổ giống này cung cấp trên dưới 85.000 tấn lúa giống ra thị trường nội vùng ĐBSCL và Campuchia.

Để hỗ trợ công tác giống của tỉnh, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh An Giang đã triển khai nhiều hoạt động chuyển giao kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận trên địa bàn 5 huyện tham gia dự án.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT An Giang Đoàn Ngọc Phả cho biết, từ năm 2016 đến vụ đông xuân 2019-2020, dự án đã tổ chức 29 lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận cho 959 nông dân tham dự, đồng thời tổ chức 18 điểm trình diễn với diện tích 2ha. Dự án cũng giúp các tổ chức nông dân tiếp cận các loại máy nông cụ, thiết bị tiên tiến như: máy cấy, máy tách hạt, thiết bị làm mạ khay….

Những năm qua, với nhiều giải pháp đột phá, đặc biệt là công tác giống, ngành lúa gạo An Giang đã có những bước tiến dài về sản lượng và giá trị. Nếu như những năm 2000, năng suất lúa của tỉnh là 4,6 tấn/ha, sản lượng 2,11 triệu tấn thì năm 2019, năng suất trung bình đạt 6,3 tấn/ha, đạt sản lượng 3,9 triệu tấn.

Năm 2019, An Giang xuất khẩu 454.200 tấn gạo, tương đương 223,8 triệu USD. Dự kiến năm 2020, sản lượng lúa của An Giang đạt hơn 4 triệu tấn và giá lúa đang ở mức cao. Sở Công thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 có thể đạt 260 triệu USD, tăng 20% so năm 2019.

Lê Hoàng Việt (Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang)

Sự tăng trưởng của ngành hàng lúa gạo An Giang khẳng định những chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.