Tăng nguồn lực cho nông nghiệp

19/06/2020 - 04:10

 - Bên cạnh tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ (KH&CN), nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy nông nghiệp An Giang phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị.

Tăng cường đào tạo

Những năm qua, công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nông nghiệp của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện khá tốt. Riêng năm 2019, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng đối với 26 trường hợp có trình độ sau đại học, tập trung vào các chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), KH&CN...

Trong đó, thi tuyển công chức đối với 2 thạc sĩ (1 trường hợp tuyển dụng vào Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, 1 trường hợp tuyển dụng vào Sở KH&CN); xét tuyển viên chức không qua thi đối với 22 thạc sĩ (11 trường hợp tuyển dụng vào Sở NN&PTNT; 11 trường hợp tuyển dụng vào Sở KH&CN); tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với 2 viên chức có trình độ thạc sĩ (1 trường hợp thuộc Sở NN&PTNT, 1 trường hợp thuộc Sở KH&CN).

An Giang thử nghiệm thành công mô hình trồng dưa lưới và cà chua bi trong nhà màng ứng dụng hệ thống tưới tự động

Sở Nội vụ cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp đối với các trường hợp được cấp có thẩm quyền cử đi học sau đại học đã tốt nghiệp và được cấp bằng theo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND, ngày 12-1-2015 của UBND tỉnh. Đối với nguồn nhân lực nông nghiệp, năm 2019 đã cho hưởng chế độ trợ cấp 74 trường hợp (6 tiến sĩ và 68 thạc sĩ) với tổng kinh phí tương đương 1,6 tỷ đồng. Riêng đối với Trường Đại học An Giang, đã cử 26 cán bộ, viên chức tham gia đào tạo trình độ sau đại học (thuộc nhóm ngành nông nghiệp) bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước (gồm 23 thạc sĩ, tiến sĩ và 3 trường hợp sau tiến sĩ).

Năm 2020 và những năm tiếp theo, An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Tỉnh đang tiếp tục triển khai thí điểm mô hình đưa nhân lực trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn An Giang giai đoạn 2018-2020.

Nâng chất lượng nghiên cứu khoa học

Thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai ứng dụng và chuyển giao các quy trình canh tác mới, hiệu quả và có triển vọng. Trong đó, đã hoàn thiện quy trình sản xuất trà và viên nang từ nguyên liệu chùm ngây và đinh lăng; hoàn thiện quy trình sản xuất và đánh giá hiệu quả của dịch trích từ cây cóc rừng và cây trâm ổi lên khả năng phòng trị sâu khoang (Spodoptera liteura), sâu xanh da láng (Spodoptera exigua); nghiên cứu quy trình bổ sung mật rỉ đường vào công thức nuôi trồng tảo xoắn (Spirulina platensis) và quy trình sản xuất các sản phẩm viên nang, sữa chua từ tảo xoắn. An Giang đã thử nghiệm thành công mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ IoT sử dụng năng lượng mặt trời để kiểm soát tự động hóa canh tác; trồng thử nghiệm thành công cà chua bi và dưa lưới trong nhà màng ứng dụng hệ thống tưới tự động...

Năm 2020, các sở, ngành tiếp tục hợp tác với các viện, trường tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp KH&CN vào phát triển sản xuất nông nghiệp tại cấp huyện. Song song đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm đối với các mô hình, quy trình công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các ngành chuyên môn tỉnh tổ chức triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm giai đoạn 2016-2020 về phát triển công nghệ sinh học, phát triển dược liệu và y học cổ truyền, phát triển bền vững các vùng sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững.

Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan về các kiến thức quản lý, kỹ thuật vận hành các quy trình canh tác, sản xuất và dịch vụ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến và hỗ trợ ươm tạo, phát triển quy trình công nghệ mới và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng tiến bộ KH&CN theo hướng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đa dạng, thử nghiệm các mô hình mới có tiềm năng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ đưa Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học vào hoạt động đúng với lộ trình chung của tỉnh. Trong đó, chú trọng tự sản xuất và chọn tạo được giống cây trồng chuyển gen, giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học, giống cây trồng lai, rau màu, cây cảnh, dược liệu có giá trị để nâng cao tính chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào giống nhập ngoại.

HOÀNG XUÂN