Tăng trưởng tín dụng có khả năng sẽ bật lên trong quý 4

30/06/2020 - 14:12

Với những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng kinh tế, theo các chuyên gia, có thể bước sang quý 4 tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV-Vietnam+)

Một loạt các lĩnh vực ngành nghề “ngấm đòn” nặng và đang phải vật lộn trước khó khăn từ đại dịch COVID-19 như vận tải, dệt may, giáo dục, nông-lâm nghiệp, thủy sản nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú… Chính vì vậy, tính đến 19-6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%) và đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19-6 trong các năm từ 2016 tới 2020.

Nguyên nhân của tình trạng này được nhận định là do những tác động tiêu cực đại dịch COVID-19.

Tác động của dịch đến hệ thống ngân hàng

Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26.000 đơn vị, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, kéo theo cầu tín dụng sụt giảm mạnh.

Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương là những nơi hoạt động kinh tế sôi động nhất nước, song tỷ lệ doanh nghiệp thất nghiệp, rơi vào nguy cơ phá sản khá lớn.

Trong giai đoạn dịch COVID-19, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn như: Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng.

Dù vậy, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,92%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%...

Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ cũng được các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, nhất là của ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh như hồ tiêu chết tại khu vực Tây Nguyên, dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long... giúp khách hàng tiếp tục ổn định duy trì sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế thiết thực, nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc ghi nhận dù trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng Chính phủ đã dành các gói tài khóa, tín dụng với quy mô chưa từng có để hỗ trợ doanh nghiệp thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Không tiết lộ kết quả cụ thể tình hình tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này, nhưng lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB) thừa nhận kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% là mục tiêu thách thức do dịch bệnh diễn ra phức tạp, nếu không được kiểm soát tốt còn có thể bùng phát trở lại.

Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tín dụng tăng chậm trong 5 tháng đầu năm và tiếp tục tập trung vào 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng tháng Một tăng 0,25%, tháng Hai tăng 0,13%, tháng Ba tăng 1,11%, tháng Tư giảm nhẹ 0,05% và tháng Năm tăng 1,7%.

Đến cuối tháng Năm dư nợ tín dụng mới bắt đầu tăng mạnh nhất khi tăng 1,57% so với cuối năm 2019 và dự ước đến hết tháng Sáu tín dụng trên địa bàn tăng 2,52% (giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước).

Theo ông Minh, tín dụng tăng trưởng chậm phản ánh đúng xu hướng thị trường. Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế, nhiều ngành lĩnh vực bị suy giảm sản xuất, ngưng hoạt động thậm chí đóng cửa.

Tang truong tin dung co kha nang se bat len trong quy 4 hinh anh 2

Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu-TTXVN)

Cơ hội vượt khó bằng nội lực

Bên cạnh các ngân hàng gặp khó trong tăng trưởng tín dụng, trên thị trường cũng có nhiều ngân hàng vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khả quan. Đơn cử tại Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết đến hết quý 1, dư nợ hợp nhất tăng 5,92%.

Hay như Sacombank, gần 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng gần 6%. Do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% nên ngân hàng này đã trình xin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lên 14%.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến ngày 26-6, tín dụng của ngân hàng này tăng 3,4% so với cuối năm 2019, mức này cũng cao hơn so với các ngân hàng nhóm Big4. Nợ xấu cũng kiểm soát tốt, hiện chỉ chiếm 0,8% dư nợ, rất tốt so với dự kiến. Đầu năm 2020 Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 26.600 tỷ đồng trước thuế, tăng trưởng tín dụng trên 14%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên ngân hàng phải điều chỉnh mục tiêu tín dụng ở mức 10% và có khả năng đạt được.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng là một trong những đơn vị sử dụng hết room tín dụng được cho phép và đã nộp đơn xin Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho cổ đông nước ngoài góp vốn vào ngân hàng này, tạo điều kiện để OCB nâng vốn điều lệ lên 25%.

“Ngân hàng Nhà nước có tăng room lên 40% thì ngân hàng vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Nên ngân hàng cũng hy vọng Ngân hàng Nhà nước xét duyệt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức cao,” ông Tùng chia sẻ.

Để vượt qua giai đoạn này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cho biết càng trong các thời điểm khó khăn, ngân hàng càng phải hướng tới khách hàng của mình, tiến hành các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động lớn đồng thời tích cực đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trực tuyến. Việc đẩy mạnh các hoạt động giao dịch online vừa giúp ngân hàng giữ được khách hàng, vừa duy trì nguồn thu và bù đắp cho những hoạt động giao dịch ngoại tuyến...

Tuy nhiên, theo ông Văn, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến cần đi kèm với điều kiện ngân hàng phải có nền tảng công nghệ tốt. Đây là lợi thế cho những ngân hàng đã xây dựng hệ thống online được vận hành tốt. Những ngân hàng đã chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận từ tín dụng sang dịch vụ từ trước thì sẽ có lợi hơn, giảm thiểu tác động từ những rủi ro khó lường.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác đã chuyển hướng sang bán lẻ, bán chéo sản phẩm bảo hiểm và tăng cho vay tài chính tiêu dùng.

Báo Bloomberg của Mỹ số ra ngày 29-6 có bài viết nhận định nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng ngoài dự báo, bất chấp các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,7% trong khi dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là 4,9% - nhanh hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Trong khi vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam, một số ngành như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ… sẽ có cơ hội phát triển mạnh theo. Theo đó, có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động, hồi phục sức mua trong xã hội, cầu đầu tư tín dụng, tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

“Với những tín hiệu tích cực trên, tôi hy vọng, kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể bước sang quý 4, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên,” ông Tùng bày tỏ kỳ vọng.

Tuy nhiên, lãnh đạo OCB cho rằng, tín dụng tăng không đều ở tất cả lĩnh vực mà ở một số ngành như sản xuất công nghiệp, phụ trợ... còn lại tín dụng xuất nhập khẩu vẫn có thể gặp khó.

Theo THÚY HÀ (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích