Tập trung cho vụ thu đông 2020

11/09/2020 - 06:26

Với tình hình giá lúa hè thu tiếp tục duy trì ở mức cao, giá xuất khẩu tốt, nhu cầu thị trường gạo thế giới dự báo tăng, nông dân yên tâm xuống giống vụ thu đông 2020. Nếu vụ mùa thuận lợi, ngành hàng lúa gạo sẽ góp phần bù đắp đáng kể cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp An Giang.

Giá lúa hiện đang cao

Nông dân phấn khởi

Vụ hè thu năm nay, ông Nguyễn Văn Oanh (xã An Bình, Thoại Sơn) canh tác 20 công lúa (2ha) giống OM6976, thu hoạch được 13 tấn lúa. Cách ngày thu hoạch nửa tháng, thương lái đã đến đặt cọc thu mua lúa tươi với giá 5.800 đồng/kg. “Đến lúc thu hoạch, giá lúa có nhích lên thêm 50 đồng/kg nhưng do đã thỏa thuận giá trước đó nên tôi vẫn bán giá 5.800 đồng/kg. Mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng, đây có thể nói là năm đầu tiên lúa hè thu được giá như thế. Sau khi thu hoạch vụ hè thu, tôi đã vệ sinh đồng ruộng, phơi ải, trục đất để xuống giống vụ thu đông theo kế hoạch” - ông Oanh chia sẻ.

Với mức giá trên, ông Oanh đạt doanh thu 75,4 triệu đồng. Chưa kể công lao động nhà, đất nhà, ông đạt lợi nhuận khoảng 45% so tổng doanh thu. Đây là mức lợi nhuận “mơ ước” lâu nay của nông dân trong vụ hè thu, vụ lúa mà năng suất không được cao, thời tiết không thuận lợi, chất lượng lúa không bằng vụ đông xuân và thu đông, mà giá bán cũng thường thấp hơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay, nông dân trên địa bàn An Giang đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa vụ hè thu 2020 (khoảng 231.000ha), năng suất bình quân 5,7-5,9 tấn/ha. Điều phấn khởi là lúa vừa thu hoạch xong thì thương lái đến thu mua lúa tươi ngay tại ruộng. Từ thời điểm thu hoạch rộ đến cuối vụ, giá lúa liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Các giống lúa hạt dài hiện trên 6.000 đồng/kg, lúa đặc sản Đài Thơm 8 từ 6.100-6.400 đồng/kg, lúa Jasmine 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000-7.500 đồng/kg; ngay cả giống lúa phẩm cấp thấp IR50404 cũng có giá từ 5.800-6.100 đồng/kg…

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, với giá tiêu thụ như trên, nông dân đạt lợi nhuận từ 20-25 triệu đồng/ha. Liên tục từ vụ đông xuân sang vụ hè thu, lúa được giá và dễ tiêu thụ, nên sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân An Giang khẩn trương làm đất để sản xuất vụ thu đông. Đến nay, nông dân đã xuống giống được khoảng 70% trong kế hoạch sản xuất hơn 161.500ha lúa thu đông 2020. Thời tiết hiện nay khá thuận lợi cho lúa phát triển.

Tập trung bảo vệ sản xuất

Dù dự báo năm nay lũ về muộn và nhỏ nhưng Sở NN&PTNT lưu ý nông dân và các địa phương không được chủ quan. Đối với lúa thu đông 2020, chỉ xuống giống ở những vùng đê bao an toàn, nằm trong kế hoạch xuống giống của tỉnh. Các địa phương cần quản lý chặt địa bàn, khuyến cáo nông dân không xuống giống ở những đê bao lửng, đê bao kém an toàn hoặc xuống giống “ăn liều” khi thấy không có lũ. Đây là bài học từng xảy ra năm 2018, khi thấy đầu mùa khả năng lũ nhỏ, một số nông dân sau khi thu hoạch vụ hè thu đã tranh thủ xuống giống vụ thu đông để ăn “chạy lũ”. Tuy nhiên, khi lũ bất ngờ đổ về, đê bao tạm bị vỡ, nhiều vùng nước ngập lút ngọn nên lúa không thu hoạch được, nông dân gần như mất trắng.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ thu đông 2020, các tỉnh ĐBSCL lên phương án sản xuất khoảng 800.000ha lúa, tăng 75.800ha so cùng kỳ 2019; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn so vụ thu đông 2019. Kế hoạch này được xem là hợp lý, phù hợp với thực tế hiện nay khi giá lúa đang duy trì cao. Tháng 8-2020, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cao nhất trong gần 10 năm qua. Dự báo đến cuối năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều nước sẽ tiếp tục tăng.

Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương cần ưu tiên sử dụng giống lúa chủ lực xuất khẩu với tỷ lệ từ 50-60%, giống lúa thơm từ 20-30%, hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình (duy trì ở mức 10-20%). Đến đầu tháng 9, nông dân ĐBSCL đã xuống giống khoảng 600.000ha, dự kiến sẽ xuống giống dứt điểm vụ thu đông 2020 vào giữa tháng 9 này. 

Theo Bộ NN&PTNT, những năm tới, bộ sẽ có giải pháp điều chỉnh giảm quy mô diện tích vụ lúa hè thu, tăng quy mô lúa thu đông một cách hợp lý nhằm tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, giá gạo xuất khẩu cuối năm thường cao, kéo theo giá lúa cao. Thay vào đó, vụ hè thu sẽ chuyển dần sang trồng các loại rau, cây màu ngắn ngày để vừa rút ngắn thời vụ, cải tạo đất tốt hơn, vừa tiết kiệm nước hơn so với trồng lúa trong điều kiện khô hạn.

NGÔ CHUẨN