Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng

02/06/2020 - 06:48

Ngành nông nghiệp An Giang đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi trên góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản.

Những kết quả nổi bật

Những tháng đầu năm 2020, những bất lợi của tình hình thời tiết, khí hậu, dịch bệnh; bên cạnh đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho việc canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ của toàn ngành nông nghiệp và sự sáng tạo, nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp (DN) và nông dân, các hoạt động sản xuất nông nghiệp được duy trì và phát triển khá tốt, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trong đó, tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Linh động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế tập thể và liên kết giữa nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản theo chuỗi giá trị.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2017 đến nay, tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái toàn tỉnh đạt 21.613ha. Trong đó, rau dưa các loại 7.948ha; cây rau màu 8.016ha và cây ăn trái 5.648,18ha, đạt 69,41% so với Quyết định 3410 (diện tích 31.130ha). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trồng mới 284,37ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh hiện có khoảng 18.900ha, bằng 109,88% (tăng 1.600ha so cùng kỳ). Diện tích cho sản phẩm hơn 13.300ha (chiếm 71,12% diện tích cây hiện có), bằng 108,13% (tăng 1.000ha so cùng kỳ).

Trong tổng số diện tích cây ăn trái hiện nay thì diện tích trồng xoài chiếm số lượng lớn, khoảng 11.241ha. Trong đó diện tích cho trái là 8.081ha (xoài tượng da xanh, tập trung tại huyện Chợ Mới) đạt khoảng 6.000ha; xoài cát Hòa Lộc diện tích khoảng 2.000ha (bao gồm: Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Long Xuyên và TX. Tân Châu);  xoài Keo với diện tích khoảng 900ha (An Phú và TX. Tân Châu), còn lại rải rác ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành và TP. Châu Đốc… Đến nay, xoài đã thu hoạch dứt điểm đợt chính vụ trong năm, với tổng sản lượng khoảng 105.000 tấn.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá xoài đầu vụ giảm so với trước. Tuy nhiên, những ngày qua giá xoài tăng so thời điểm tháng 3 nên nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, hầu hết các vườn xoài tượng da xanh đã thu hoạch hết, còn lại chủ yếu là xoài cóc.

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao, một phần tăng vụ đối với một số loại cây màu đang có thị trường... Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi tiếp 2.927ha để đạt kế hoạch đề ra.

Để đạt được mục tiêu trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị Cục Trồng trọt tiếp tục chỉ đạo địa phương trong điều hành sản xuất, công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thông tin kịp thời về tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu cũng như các hướng dẫn về ứng phó hạn mặn xâm nhập. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ tỉnh trong công tác dự báo thị trường, xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và công nghệ cho sản xuất. Hỗ trợ địa phương kết nối tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật cũng như các chương trình trong việc chứng nhận chất lượng, cấp mã code vùng trồng. Đồng thời, kiểm soát chất lượng nông sản để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế, tạo vùng nguyên liệu để các DN thu mua.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, vụ thu đông 2020, khả năng xâm nhập mặn mức độ nhẹ, không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đối với tình trạng hạn thiếu nước, An Giang chỉ ảnh hưởng ở các vùng gò cao huyện Tri Tôn, Tịnh Biên nhưng không đáng kể, tỉnh đã có kế hoạch phòng, chống hạn kịp thời.

 

ĐÌNH ĐỨC