Nông dân nhiều địa phương tất bật chuẩn bị trái cây Tết
Thị trường sôi động
Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tất bật chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình để phục vụ thị trường. Đây là một trong những mùa làm ăn chính trong năm nên nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, xử lý vườn cây ăn trái để cung cấp những trái cây chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) hiện đang canh tác 5,3ha bưởi da xanh. Ông Hùng lựa chọn quy trình canh tác theo hướng VietGAP trên loại cây có múi này. Trong quá trình chăm sóc, ông ưu tiên sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, phân rơm), hạn chế sử dụng phân vô cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp…
Ngoài ra, ông Hùng còn xây dựng nhà kho phân bón, nơi pha thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhật ký phun thuốc... Nhờ canh tác theo hướng VietGAP nên sản phẩm bưởi được đánh giá an toàn, đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở siêu thị, chợ đầu mối trong tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Ông Hùng cho biết, bưởi da xanh có thể xử lý cho trái quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm Tết Nguyên đán là sản phẩm hút hàng nhất. Do đó, ông tính toán xử lý cho cây ra hoa, tạo trái và thu hoạch ngay thời điểm cuối năm để bán được giá cao hơn. Những năm gần đây, ông Hùng còn nghiên cứu, phát triển túi đựng bưởi với thiết kế sang trọng, bắt mắt để khách hàng mua về làm quà cho bạn bè, người thân trong dịp Xuân về.
Cũng như ông Hùng, anh Nguyễn Thanh Sơn (ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) cũng tất bật chăm sóc cho vườn bưởi của mình. Anh Sơn cho biết, hiện đang canh tác 120 gốc bưởi trên diện tích 3.500m2. Nhờ dày công chăm sóc, áp dụng khoa học - kỹ thuật nên vườn cây ăn trái của gia đình anh Sơn phát triển khá tốt, cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Mỗi năm, anh Sơn thu hoạch khoảng 6 tấn trái. Với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng.
Anh Sơn cho biết, bưởi là một trong những loại nông sản được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán nên khá hút hàng. Giá sản phẩm này vào dịp Tết thường tăng cao, có thời điểm tăng gấp đôi so với ngày thường nên nông dân có được nguồn thu nhập hấp dẫn. Do đó, ngoài việc cho trái chuyền quanh năm, anh Sơn còn xử lý một phần để thu hoạch vào dịp Tết.
Vẫn còn nỗi lo
Xử lý bưởi ra trái đúng dịp Tết đòi hỏi quy trình xử lý bài bản, thêm vào đó là đầu tư nhiều chi phí, công chăm sóc mới mang lại hiệu quả cao. Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Tấn Phúc (huyện Chợ Mới), để cây bưởi ra hoa và thu hoạch vào đúng dịp Tết, nông dân phải kích cây ra hoa từ tháng 3 (âm lịch). Trong thời gian này, nông dân phải thường xuyên thăm vườn để phòng tránh một số bệnh trên cây bưởi, như: Nhện đỏ, sâu đục thân, bọ xít, loét, rệp sáp… Chính các đối tượng gây hại này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, phẩm chất trái.
Bên cạnh đó, trái cây Tết yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã nên đòi hỏi nhà vườn phải xử lý, chăm sóc công phu mới cho ra những trái đẹp. Do đó, ngay sau khi thu hoạch, ông Phúc tăng cường bón phân hữu cơ đầy đủ để nuôi cây. Trong giai đoạn cây ra hoa, tạo trái phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đồng thời phun thuốc phòng, ngừa các đối tượng gây hại...
Xử lý cây ăn trái bán Tết là cơ hội giúp nhà vườn tăng thu nhập nên thời điểm này, nhà vườn đang ra sức chăm sóc để vườn cây ăn trái cho trái to, đẹp nhằm bán được giá cao. Tuy nhiên, việc nhiều nông dân tập trung xử lý, áp dụng kỹ thuật cho trái ngay vụ Tết nên sản lượng khá nhiều. Từ đó, tình trạng “đụng hàng”, dội chợ thường xảy ra khiến giá một số mặt hàng giảm sâu.
Ngoài ra, thời điểm cuối năm thường có mưa nhiều, độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái. Do đó, chi phí canh tác trong vụ này thường tăng cao, công chăm sóc nhiều hơn, nếu không nắm chắc kỹ thuật, nông dân rất dễ bị thua lỗ.
Nhằm hướng tới một mùa vụ đạt năng suất và chất lượng cao, bà con nên thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng ngừa. Đồng thời, cần chủ động liên kết đầu ra với doanh nghiệp, siêu thị, đầu mối tiêu thụ để yên tâm sản xuất.
ĐỨC TOÀN