Thêm giá trị cho cà na

02/09/2022 - 07:22

 - Từ loại trái cây dân dã quê mùa, trái cà na được anh Nguyễn Phước Trung (ngụ xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) nghiên cứu “nâng tầm” giá trị để bán rộng rãi trên thị trường. Đa dạng cách chế biến, sản phẩm từ cà na của cơ sở Nguyễn Trung được đưa vào nhóm sản phẩm tiềm năng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đợt 1/2022 của huyện Phú Tân, để phân hạng đánh giá.

Xí muội cà na

Các sản phẩm chế biến từ cà na

Ngày xưa, cây cà na mọc nhiều dọc theo bờ kênh, rạch. Chúng được xếp vào loại cây hoang dại, ít ai trồng, vì giá trị kinh tế không cao. Đến nay, cà na trở thành mặt hàng được ưa chuộng, có lúc cung không đủ cầu, là “cây kinh tế” của nhiều hộ trong quá trình chuyển đổi cây trồng, giúp tăng thêm thu nhập.

Ngoài bán trái tươi, nhiều người bỏ công chế biến thành món quen thuộc, như: Cà na đập, cà na ngào đường, làm mứt… Trái cà na hình thoi, màu xanh nhạt, hạt cứng, xuất hiện hàng năm từ tháng 7 (âm lịch), khi mùa nước nổi về, cho trái kéo dài 2 tháng. Tuy nhiên, với các giống cà na mới được lựa chọn phát triển, món ăn vặt này đã hiện hữu quanh năm, phổ biến là cà na Thái.

Anh Trung cho biết, sau nhà có cây cà na lâu năm, mỗi mùa cho trái rất nhiều. Đây là giống cà na ta, trái thịt dày, hạt nhỏ, ít chát. Ăn không hết, gia đình chế biến đủ kiểu để bảo quản lâu hơn, đem tặng, rồi bán lẻ. Ý tưởng phát triển cà na thành sản phẩm để khởi nghiệp được anh định hình khi còn là Bí thư xã đoàn Hiệp Xương.

Thời gian đầu, cả gia đình chủ yếu làm thủ công, chỉ công đoạn ép cà na là dùng máy hỗ trợ. Để chào hàng, anh Trung giới thiệu đến bạn bè, người thân, lắng nghe phản hồi để tiếp tục cải tiến về gia vị, đóng gói… Sự tương tác tích cực giúp anh tiếp cận ngày càng nhiều khách hàng, quyết định thu mua thêm cà na trong vùng, đầu tư máy móc để tăng quy mô sản xuất.

Cà na trộn đường chua ngọt, cà na ngào đường là các sản phẩm chính được chế biến, đóng gói. Ngoài ra, khoảng 2 năm nay, cơ sở Nguyễn Trung còn phát triển thêm xí muội cà na. Quy trình làm xí muội do anh nghiên cứu theo “bí quyết” riêng, phơi nắng tự nhiên từ 4-5 ngày cho ra thành phẩm. Xí muội giữ nguyên vẹn mùi vị của trái cà na, kèm theo vị mặn vừa phải, là món “ăn chơi” đang được thị trường đón nhận. Các sản phẩm của cơ sở có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước. Trong đó, phần lớn được làm theo đơn đặt hàng trước của khách, để đảm bảo hương vị tươi ngon.

Hiện nay, để có đủ nguyên liệu sản xuất, anh Trung lập vườn trồng thêm cà na, đồng thời thu mua liên tục từ các hộ trồng trong vùng, số lượng dao động từ 10-30kg/ngày, có ngày lên đến vài trăm ký. Để sản xuất kịp thời, chất lượng sản phẩm cao hơn, anh đầu tư thêm máy móc, gồm: Máy ép, máy vắt, máy hút chân không, máy hàn miệng túi. Hương vị của từng loại cà na được giữ nguyên từ bàn tay khéo léo của thợ.

Hiện tại, bình quân 1 tháng cơ sở bán được 250kg cà na thành phẩm các loại, đem về nguồn thu nhập ổn định. Với những sản phẩm mang hương vị thuần truyền thống, cơ sở Nguyễn Trung nỗ lực để tìm chỗ đứng riêng, khẳng định giá trị qua chất lượng.

Vài năm nay, việc cơ sở Nguyễn Trung liên kết với các hộ trồng cà na trong vùng đã giúp các hộ có đầu ra tốt hơn, ổn định hơn, đồng thời tạo thêm thu nhập cho lao động địa phương thu hái trái. Cà na là loại cây dễ trồng, ít chăm sóc, tuy nhiên cơ sở vẫn rất chú trọng lựa chọn những vườn cung ứng nguyên liệu chất lượng, uy tín, quy trình trồng đảm bảo “sạch” để mua.

Từ khi sản phẩm được khách hàng đón nhận, anh Trung nghiên cứu thiết kế bao bì, nhãn, đăng ký giấy phép kinh doanh. Sau nhiều năm nỗ lực phát triển, anh Trung đã góp phần đưa loại trái “quê mùa” tăng thêm giá trị, tiêu thụ rộng rãi. Được địa phương chọn là sản phẩm tiềm năng định hướng phát triển lên sản phẩm OCOP, anh Trung rất phấn khởi. “Cơ sở đang tập trung vào khâu quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cấp thêm hệ thống máy móc và phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu của ngành chức năng” - anh Trung chia sẻ.

MỸ HẠNH