Thị trường bánh kẹo, mứt Tết

15/01/2021 - 06:08

 - Năm nay, do tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự chủ động của các cơ sở sản xuất, như: đầu tư công nghệ máy móc, thay đổi mẫu mã, chú trọng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… từ đó cung ứng đủ nguồn hàng hóa cho thị trường Tết, góp phần bình ổn thị trường ở địa phương.

Các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt ở các địa phương chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết

Hiện nay, Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ có 17 hộ sản xuất, với 200 lao động làm việc thường xuyên. Trong đó có 10 hộ đã áp dụng cơ giới hóa các công đoạn quết bánh, cán bánh, sấy khô… được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư. Mỗi hộ sản xuất bình quân từ 7-8 ổ bánh/ngày (1 ổ = 400 cái bánh). Thời điểm cận Tết Nguyên đán, các hộ phải gia tăng nhịp độ sản xuất hơn những ngày bình thường, với sản lượng tăng gấp 2-3 lần, nhằm cung ứng kịp thời cho các đối tác ở tỉnh khu vực ĐBSCL.

Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường cuối năm nên nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề bánh phồng Phú Mỹ (Phú Tân, An Giang) vẫn chưa tăng tốc. Ông Trần Văn Xuân (đại diện làng nghề sản xuất bánh phồng Phú Mỹ) cho biết, theo thường lệ thời điểm tháng 11 (âm lịch) hàng năm các cơ sở đã đẩy mạnh nhịp độ làm bánh và tăng dần đến hết tháng Chạp. Tuy nhiên, năm nay đơn đặt hàng chưa nhiều, hầu hết các hộ vẫn sản xuất bình thường và thăm dò nhu cầu thị trường. Giá bánh năm nay dự kiến không biến động nhiều, chỉ tăng nhẹ để trả thêm cho nhân công thời vụ.

“Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh nên các đầu mối vừa bán, vừa theo dõi tình hình rồi mới canh số lượng đặt hàng. Do vậy, năm nay mùa bánh phồng bán Tết ở làng nghề khởi động chậm hơn, tuy nhiên cũng có tín hiệu vui là đầu tháng Chạp đã nhận được một số đơn đặt hàng, số lượng cũng tăng từ từ” - ông Xuân thông tin thêm.

Đây cũng là tình hình chung của các cơ sở sản xuất bánh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Không khí sản xuất vẫn nhộn nhịp, tuy nhiên vẫn vừa sản xuất, vừa theo dõi diễn biến của thị trường, nhận được đơn đặt hàng mới nhanh chóng tăng sản xuất để đảm bảo nguồn cung, cầu phục vụ nhu cầu bánh kẹo, mứt dùng trong ngày Tết của người dân.

Những năm qua, với tinh thần cầu thị, theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến của thị trường, khẩu vị của người tiêu dùng, các sản phẩm bánh hạnh nhân, bánh kẹp, bánh cuốn của Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh (Chợ Mới, An Giang) được người tiêu dùng đón nhận và ưa thích. Từ đó, mở rộng thị trường ở các tỉnh ĐBSCL, miền Trung, miền Bắc và sang Campuchia. Bên cạnh các hương vị truyền thống, công ty còn kết hợp các loại bánh khác để phong phú, đa dạng thêm chủng loại cho khách hàng lựa chọn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh Trần Lê Hùng, do ảnh hưởng dịch bệnh, ở một số thị trường tiềm năng, như: TP. Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)... vẫn còn theo dõi tình hình nên vẫn chưa dám đặt hàng nhiều. Do vậy, sản lượng có giảm hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5%. Để thích ứng nhanh với tình hình,  năm nay công ty tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử, đồng thời đa dạng các hình thức giao hàng để thuận tiện nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, còn thiết kế nhiều gói bánh với kích cỡ khác nhau, dùng để ăn trong gia đình, làm quà tặng đều tiện lợi.

 Đây đã là năm thứ 2, Cơ sở sản xuất - kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam (xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang) đưa ra thị trường 2 sản phẩm cóc non sấy dẻo và mứt mãng cầu. Tuy nhiên, cùng với trà mãng cầu thì 2 sản phẩm này được anh Nam đầu tư kỹ lưỡng về mẫu mã, bao bì sang trọng, phù hợp sử dụng và làm quà tặng trong ngày Tết. Các sản phẩm này đều có xuất xứ rõ ràng từ vùng trồng sạch, an toàn của anh Nam cũng như liên kết với nông dân ở địa phương.

Bên cạnh đó, cơ sở còn đầu tư nhà sấy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, đạt công suất sấy 200-300kg nguyên liệu/ngày. Mới đây, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang), Cơ sở sản xuất - kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam tập trung xây dựng trà mãng cầu thành sản phẩm đặc sản, đưa vào “giỏ quà tặng” của An Giang.

Những người làm bánh kẹo, mứt Tết vẫn đang miệt mài sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần làm đẹp thêm nét ẩm thực ngày xuân.

ÁNH NGUYÊN