Thống nhất tư duy, tạo động lực phát triển cho vùng ĐBSCL

22/04/2022 - 10:43

 - Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị tại điểm cầu An Giang

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu An Giang

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu An Giang. Hội nghị được trực tuyến đến các Huyện, Thị, Thành ủy trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về tiềm năng, lợi thế, thực trạng phát triển của vùng ĐBSCL. Trong đó, đánh giá ĐBSCL dù có lợi thế lớn về nông nghiệp, nhưng vẫn là vùng trũng về kinh tế, văn hóa, xã hội, chỉ xếp thứ 5/6 vùng kinh tế của cả nước, là vùng dễ bị tổn thương do thiên tai, biến đổi khí hậu.

Để tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần thay đổi tư duy liên kết vùng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, liên kết nông – công nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng, tiến tới thành lập các hiệp hội ngành hàng. Dựa trên quan điểm của Nghị quyết 13-NQ/TW về lấy tài nguyên nước làm cốt lõi, vùng ĐBSCL cần tổ chức lại sản xuất, lấy hợp tác xã kiểu mới làm trung tâm, tạo giá trị gia tăng, thị trường chất lượng cao cho nông sản, xóa bỏ lời nguyền “được mùa, mất giá”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo từ điểm cầu Trung ương

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, hạ tầng giao thông được xem là động lực phát triển cho vùng ĐBSCL. Trong đó, phát triển đồng bộ cả 5 loại hình giao thông, gồm: Hàng không, cao tốc đường bộ, giao thông thủy, cảng nước sâu, đường sắt trên cao. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có 448km đường cao tốc, gấp hơn 10 lần hiện nay. Trong đó có 3 trục cao tốc quan trọng là: TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; An Hữu – Cao Lãnh – Rạch Giá. Hệ thống thủy nội địa sẽ được nâng cấp, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và chia sẻ áp lực với đường bộ.

Đối với cảng biển, gia công cảng Cái Cui (TP. Cần Thơ) để đón tàu 20.000 tấn; nạo vét luồng để xây dựng cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) thành cảng nước sâu thông ra biển, đón tàu 50.000 tấn, giúp hơn 10 triệu tấn hàng hóa, nông sản vùng ĐBSCL không phải vận chuyển xa lên TP. Hồ Chí Minh. Đối với hàng không, xây dựng thêm đường băng quốc tế cho sân bay Phú Quốc; tăng cường khai thác sân bay Cần Thơ; đầu tư nâng cấp sân bay Rạch Giá, Cà Mau. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa…

NGÔ CHUẨN