Thúc đẩy thế mạnh nông nghiệp huyện Phú Tân

12/03/2024 - 06:52

 - Mục tiêu trọng tâm ngành nông nghiệp huyện Phú Tân đặt ra trong năm 2024 là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ số, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và lợi nhuận.

Niềm vui đầu năm

Nông dân sản xuất lúa, nếp ở huyện Phú Tân đang phấn khởi, vì vụ đông xuân “trúng mùa, được giá”. Niềm vui này có được không chỉ nhờ thời tiết thuận lợi, mà chính là kết quả từ kiểm soát chặt chẽ lịch thời vụ, khâu sản xuất, thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Ông Nguyễn Thanh Việt (xã Hiệp Xương) có 8ha diện tích trồng nếp, vụ thu đông năm ngoái, tiểu vùng nơi ông sản xuất tiến hành xả lũ, đất được “làm mới” nên tiết kiệm khá nhiều chi phí. “Tôi tính toán và so sánh vụ cùng kỳ thì chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều giảm nhẹ. Gần đến ngày thu hoạch, nếp chỉ xuất hiện ít bọ cánh trắng, mức độ cũng nhẹ hơn vụ năm trước, thấy được ưu điểm rõ rệt của việc xả lũ “2 năm, 5 vụ” so với sản xuất liên tục”.

Thu hoạch lúa, nếp

Ghi nhận giá lúa, nếp vụ đông xuân, hầu hết nông dân cho biết giá cả cao hơn cùng kỳ. Ông Việt đã thu hoạch và bán toàn bộ với giá 7.600 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 25 - 30 triệu đồng/ha. Bên cạnh nếp, các hộ trồng lúa vụ này có cùng niềm vui, bởi đạt năng suất và giá bán cao. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện xuống giống 23.855ha lúa, nếp. Trong đó, các doanh nghiệp tham gia liên kết lúa, nếp hơn 2.890ha, nhiều nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (trên 921ha), kế đến là các doanh nghiệp nhỏ liên kết trực tiếp với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Đầu năm 2024, huyện Phú Tân có thêm 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là bánh ngũ cốc và cà na xí muội. Đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP “3 sao”: Rượu dâu tằm, nước cốt dâu tằm và siro atiso của Công ty TNHH Dâu tằm Ngọc Thái (xã Phú Hưng); chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị và lạp xưởng cá thát lát của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Thanh Tùng (xã Phú Bình); kem trái cây vị sầu riêng của hộ kinh doanh Gia Định (xã Phú Lâm); cà na xí muội của Hộ kinh doanh Nguyễn Trung (xã Hiệp Xương); bánh ngũ cốc dinh dưỡng của Công ty TNHH MTV Đặng Kim Thành (thị trấn Phú Mỹ).

Hướng đến mục tiêu mới

Phó Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Đăng Khoa đánh giá, thời gian qua, được sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự đồng thuận của nông dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực. Chuyển dịch từ sản xuất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái được các địa phương và nông dân quan tâm đẩy mạnh; thay đổi nhận thức, tập quán, luân canh sản xuất theo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp... Các đối tượng nuôi thủy sản xuất khẩu sang thị trường Campuchia được hộ nuôi quan tâm… góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ. Ngoài ra, ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất được chú trọng: Sử dụng Drone, mạng nhà nông; vận hành trạm bơm điện qua điện thoại thông minh. Liên kết theo chuỗi bước đầu giải quyết khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nông dân yên tâm sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm theo đơn hàng.

Ngành nông nghiệp huyện Phú Tân tiếp tục phấn đấu cho các mục tiêu mới, nhất là triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, đề án của Trung ương và tỉnh, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, khuyến khích ứng dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ số, phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp đã đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực, đảm bảo thực hiện tốt lịch thời vụ; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống hạn mùa khô và thiên tai trong mùa mưa, lũ. Đồng thời, chủ động mời gọi công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Duy trì và mở rộng liên kết với các doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ, gắn hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cấp mã số (code) vùng trồng…

Cụ thể, chỉ tiêu sản xuất lúa, nếp phấn đấu đạt trên 61.600ha với tổng sản lượng hơn 395.000 tấn. Huyện duy trì thực hiện chủ trương xả lũ ở 8 tiểu vùng, với diện tích 9.889ha, dự kiến 50% diện tích sản xuất nếp, còn lại sản xuất lúa chất lượng cao. Đối với cây màu, phấn đấu phát triển diện tích 2.500ha, tập trung vụ đông xuân 1.000ha, xuân hè và hè thu 1.000ha, còn lại trong vụ thu đông chủ yếu là sản xuất rau dưa, bắp, ớt, đậu nành rau… Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi đạt sản lượng thịt hơi các loại trên 5.330 tấn, trứng gia cầm các loại 40 triệu trứng; tổng sản lượng chăn nuôi thủy sản đạt 40.000 tấn…

MỸ HẠNH