Tích cực huy động nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn

04/06/2024 - 06:39

 - Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh chủ động phát huy nội lực gắn với thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, thông thương hàng hóa, đầu tư phát triển sản xuất cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương.

Xác định phát triển giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KTXH địa phương, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung lồng ghép các nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tích cực, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu và tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động của đông đảo người dân.

Tại xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), để thực hiện tốt công tác xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hàng năm, xã chủ động đề ra kế hoạch cụ thể cho từng công trình xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức họp dân xin ý kiến thống nhất trong Nhân dân để triển khai thực hiện và có sự giám sát chặt chẽ của Ban giám sát Nhân dân.

Xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới) tích cực huy động nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, xã Mỹ Hiệp huy động và phát huy được nguồn lực xã hội hóa từ Nhân dân trong công tác xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Từ đó, nhiều tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, các cây cầu bê-tông nối nhịp nông thôn, phục vụ phát triển KTXH.

Từ năm 2019 đến nay, xã Mỹ Hiệp xây cất được 23 cây cầu và bê-tông 17 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 14,5km, tổng kinh phí trên 14,85 tỷ đồng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, xây cất 3 cây cầu và 2 tuyến đường giao thông với chiều dài 2km, tổng kinh phí 3,85 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện đi lại thuận tiện, phục vụ nhu cầu sản xuất, giao thương mua bán hàng hóa cho người dân.

Ông Thiều Văn Tương (xã Mỹ Hiệp) chia sẻ: “Bà con xã Mỹ Hiệp, ai có tiền thì đóng góp tiền, ai không có tiền thì đóng góp ngày công xây dựng cầu. Từ đó, tạo thuận tiện cho việc đi lại, vừa giúp việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của bà con và con em đi học được dễ dàng. Bà con trong xã rất phấn khởi”.

Tại xã Bình Chánh (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), Đảng ủy, UBND xã chủ động tranh thủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài địa phương tổ chức thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn.

Tính từ năm 2020 đến nay, xã Bình Chánh thực hiện 9 công trình cầu, đường và bờ kè chống sạt lở, với tổng mức đầu tư trên 8,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5 công trình, với tổng kinh phí gần 6,8 tỷ đồng; địa phương huy động xã hội hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” thực hiện 4 công trình với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng.

Riêng năm 2024, xã Bình Chánh vận động 100% nguồn xã hóa trong và ngoài địa phương để xây dựng mới cầu Kênh 7 (Lung Ấu) nối liền ấp Bình Phước và ấp Bình Thạnh. Công trình khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 29/5. Cầu được xây dựng mới theo tiêu chuẩn cầu thép dây văng, có chiều dài 36m, chiều rộng 3,2m, tải trọng 3,5 tấn, độ thông thuyền 16,5m, độ tĩnh không 4,5m, với tổng kinh phí trên 441 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, cùng 200 ngày công lao động của bà con trong và ngoài địa phương.

Đạt được kết quả đó là nhờ xã Bình Chánh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích của các công trình. Từ đó, cùng góp sức, góp của chung tay xây dựng những con đường, cây cầu đưa vào sử dụng để tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của bà con và học sinh đi lại được dễ dàng, thuận tiện, góp phần thúc đẩy KTXH ngày càng phát triển.

Vui mừng trước cây cầu mới hoàn thành, ông Trần Văn Hiếu (xã Bình Chánh) chia sẻ: “Tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo huyện Châu Phú, chính quyền địa phương; sự hỗ trợ nhiệt tình của đơn vị thi công xây dựng cầu từ thiện, sự tham gia của người dân trong và ngoài xã, các nhà hảo tâm đã góp ngày công lao động và kinh phí để đầu tư xây dựng cầu.

Tôi và những người dân trong xã sẽ phối hợp chính quyền địa phương tham gia tuyên truyền, vận động kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hàng năm khi có hư hỏng xảy ra. Tiếp tục cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Bình Chánh thời gian tới. Qua đó, góp phần phát triển KTXH và đời sống người dân”.

Việc huy động các nguồn lực xã hội xây dựng giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh đạt những kết quả tích cực, phát huy ý thức tự giác và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM của tỉnh.

TRỌNG TÍN