Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phát biểu kết luận cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII, về những điểm mới nổi bật nhất trong Dự thảo Báo cáo chính trị - báo cáo trung tâm của Đại hội.
- Quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được triển khai như thế nào thưa ông?
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: Để chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ngay từ Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (tháng 10-2018), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng. Hội nghị Trung ương 10 (5-2019) cho ý kiến vào dự thảo đề cương các văn kiện.
Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10-2019) cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Sau Hội nghị Trung ương 11, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi đại hội đảng bộ cấp cơ sở (Bản tóm tắt) vào tháng 02-2020 và gửi đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương (Bản toàn văn) vào tháng 4/2020 để góp ý kiến theo kế hoạch.
Như các kỳ đại hội trước, dự thảo các văn kiện được sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương (Bản toàn văn) được công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân vào khoảng giữa tháng 10-2020.
Sau đó, các Tiểu ban mới tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và của nhân dân để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xem xét hoàn chỉnh trình Đại hội XIII của Đảng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, đại dịch COVID19, khủng hoảng kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu đã bất ngờ xảy ra, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế-xã hội, đòi hỏi dự thảo các văn kiện phải cập nhật, phân tích đánh giá lại tình hình, điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp với thực tế.
Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương nghiên cứu cập nhật tình hình và tiếp thu các ý kiến, đóng góp xác đáng, bước đầu thu nhận được từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, một số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trình Hội nghị Trung ương 13 xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Sau Hội nghị Trung ương 13, Bộ Chính trị chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân. Đây là một trong những điểm mới trong quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng so với các đại hội trước.
- Xin ông cho biết những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị- báo cáo trung tâm của Đại hội?
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: Có sáu điểm mới nổi bật trong Dự thảo Báo cáo chính trị.
Thứ nhất là mới trong việc xác định chủ đề Đại hội XIII.
Các thành tố trong chủ đề Đại hội XIII có một số điểm mới, đáng chú ý là: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Nêu khát vọng phát triển đất nước; Xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị, xác định rõ hơn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là một trong những điểm nhấn trong Dự thảo Báo cáo chính trị.
Thứ hai, mới trong dự báo tình hình thế giới và khu vực.
Về dự báo tình hình thế giới, so với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu những dự báo mới: hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.
Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau quyết liệt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng.
Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.
Về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, Dự thảo Báo cáo chính trị có những dự báo mới: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn.
Dự thảo Báo cáo chính trị có những dự báo mới về tình hình trong nước: sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
Thứ ba là mới trong việc nêu hệ quan điểm chỉ đạo.
So với các đại hội trước, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu hệ quan điểm chỉ đạo. Đây là một trong những điểm mới nổi bật.
Dự thảo Báo cáo chính trị viết: Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn các quan điểm cơ bản sau: Quan điểm 1 nêu tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)
Quan điểm 2 nêu tư tưởng chủ đạo về chiến lược tổng thể phát triển đất nước: bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Quan điểm 3 nêu định hướng tạo động lực phát triển: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Quan điểm 4 nêu định hướng huy động, phát huy mọi nguồn lực: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Quan điểm 5 nêu định hướng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư là mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việc xác định mục tiêu như trên theo cách tiếp cận mới: trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập phù hợp với cách tiếp cận của thế giới.
Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) thu nhập bình quân thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm; thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm; thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm (số liệu ngày 1-7-2020).
Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD. Như vậy, đến 2045, nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD.
Như vậy, đến năm 2030, nước ta có thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045 có thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.
Thứ năm là mới trong nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Dự thảo Báo cáo chính trị nêu 12 định hướng phát triển đất nước 10 năm tới (2021-2030), trong đó đã phát triển mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội" thành mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.”
Dự thảo bổ sung mối quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội,” đồng thời nhấn mạnh: “Trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát triển quyền làm chủ của nhân dân.”
Thứ sáu là mới trong xác định nhiệm vụ trọng tâm.
Về những nhiệm vụ trọng tâm: Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị có 2 điểm mới: Một là, về cơ cấu: Đại hội XII dành nhiệm vụ 1 và 2 về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; Dự thảo trình Đại hội XIII dành nhiệm vụ thứ nhất về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, thêm nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Hai là, nội dung từng nhiệm vụ trọng tâm có những nội dung mới. Cụ thể như sau:
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm,” những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Về phát triển kinh tế, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Về văn hóa, xã hội, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhân mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
Về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung và nhấn mạnh: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên.
Về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thưa ông, các đột phá chiến lược trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã được bổ sung những nội dung nào so với Đại hội XII?
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thông: Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh những nội dung sau:
Về thể chế, Dự thảo Báo cáo chính trị mở rộng phạm vi thành thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài Club thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng, Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội theo hai hướng ưu tiên: Một là, đẩy nhanh phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Sự cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược của Đại hội XI, XII vào giai đoạn 5 năm 2021-2025 là một điểm mới của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.
- Xin cảm ơn Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thông.
Theo QUỲNH HOA (TTXVN/Vietnam+)