Trải nghiệm Tri Tôn

14/02/2019 - 07:40

 - Bên cạnh những cảnh đẹp thiên nhiên sẵn có, những địa danh văn hóa - lịch sử nổi tiếng, Tri Tôn đang đẩy mạnh vận động xã hội hóa xây dựng những công trình tạo điểm nhấn du lịch.

Thu hút giới trẻ

Tri Tôn là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh An Giang (60.023,8ha) nhưng dân cư thưa thớt nhất (khoảng 135.000 người). Nhờ vậy, huyện còn giữ được nhiều địa điểm đẹp hoang sơ với thiên nhiên hùng vĩ. Với những bạn trẻ đam mê khám phá, Tri Tôn là địa điểm check-in không thể bỏ qua. “Nhiều người có thể không biết đến Tri Tôn nhưng với bọn em, đây là địa điểm quen thuộc. Để trải nghiệm hết vẻ đẹp của Tri Tôn cũng như thưởng thức đầy đủ ẩm thực độc đáo nơi đây, chúng em thường chuẩn bị hành trang có chuyến đi kéo dài 3 - 4 ngày” - Phú Nguyễn (một thành viên của nhóm Khám phá miền Tây) chia sẻ.

Cổng chào Tri Tôn

Hành trang của nhóm Khám phá miền Tây khá đơn giản. Ngoài phương tiện di chuyển, máy ảnh, điện thoại thông minh, bộ dụng cụ phát 3G, nhóm còn mang theo lều cắm trại, đèn pin, những vật dụng sinh hoạt vào ban đêm. Theo Phú Nguyễn, địa điểm đầu tiên nên khám phá là chùa Xà Tón (Svayton). Đây là ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm với khung cảnh đẹp nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn, nơi dễ dàng có những bức ảnh đẹp gắn với lịch sử hình thành vùng đất Tri Tôn. “Sau đó, di chuyển một đoạn ngắn lên đồi Tà Pạ. Nơi đây có ngôi chùa cổ cùng hồ Tà Pạ tuyệt đẹp, được hình thành sau quá trình khai thác đá. Từ đỉnh đồi Tà Pạ có thể quan sát toàn cảnh những ô ruộng trên nhiều màu sắc, xa xa là thị trấn Tri Tôn sầm uất. Sau đó, vòng trở ra thị trấn để di chuyển qua xã Núi Tô, khám phá Soài So - suối Vàng. Soài So là hồ nước tự nhiên có cảnh quan rất đẹp, những món ăn ngon được phục vụ tại đây. Khi đã no bụng, check-in các kiểu xong xuôi, có thể yên tâm khám phá Phụng Hoàng Sơn - ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn hùng vĩ (cao nhất là núi Cấm)” - Phú Nguyễn giới thiệu.

Nói về Phụng Hoàng Sơn thì có tìm hiểu vài ngày cũng chưa hết. Dù là ngọn núi cao nhưng trên đỉnh lại có tảng đá Đầu Voi, nằm cùng với vồ Hội khá bằng phẳng. Tại đây, du khách thỏa sức check-in, lựa chọn “view” là cánh đồng lúa mênh mông, có thể “săn” những đám mây lơ lửng nơi lưng chừng núi. Ngoài ra, Cô Tô còn có đồi Tức Dụp nổi tiếng với tên gọi “ngọn đồi 2 triệu đô-la”, hồ Ô Thum, Soài Chek dù được xây dựng nhân tạo nhưng mang vẻ đẹp thiên nhiên khó cưỡng. “Khám phá núi Cô Tô xong chuyển qua núi Dài (Ngọa Long Sơn) - ngọn núi dài nhất dãy Thất Sơn. Sau khi viếng Nhà mồ Ba Chúc, có thể qua hồ Ô Tà Sóc chụp ảnh, tìm hiểu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc. Tại đây phù hợp cắm trại, dã ngoại, sinh hoạt tập thể. Trong quá trình khám phá Tri Tôn, không thể bỏ qua những ngôi chùa Khmer nổi tiếng” - thành viên của nhóm Khám phá miền Tây chia sẻ thêm.

Trân trọng mời chào

Đến Tri Tôn thời điểm này, lãnh đạo huyện hồ hởi giới thiệu những công trình tạo điểm nhấn cho du lịch. Đặc biệt ở chỗ, đây đều là những công trình được vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước.

Những cây thốt nốt hình trái tim ở Tri Tôn tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn

Trên tuyến Tỉnh lộ 948 nối huyện Tịnh Biên qua Tri Tôn, bộ mặt gần như đổi mới khi xuất hiện cổng chào “Huyện Tri Tôn chào mừng quý khách”. Đó không chỉ là cổng chào đơn thuần mà còn tạo dấu ấn khi 2 bên thiết kế 2 tảng đá to, khắc chữ màu đỏ, bên trái giải thích ngắn gọn về địa danh “Bảy Núi”, còn bên phải giải thích nguồn gốc địa danh “Tri Tôn”. Điều này tạo thích thú cho du khách. Rất nhiều người đã check-in với 2 tảng đá này như một cách khoe rằng “Tôi đã đến Tri Tôn - Bảy Núi” cũng như để giới thiệu cho bạn bè hiểu thêm về vùng đất này. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, toàn bộ kinh phí xây dựng cổng chào đều do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp.

Sau khi dọn dẹp được khu chợ tự phát dưới dốc cầu Cây Me, vị trí ngã 3 thuộc xã Châu Lăng đã được xây dựng thành công viên sạch đẹp. Tại đây còn được tạo dấu ấn khi đặt lên đôi bò đua bằng đá có kích thước tương đương đôi bò thật. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Nguyễn Hữu Ngọc, đôi bò đua mô phỏng này nặng khoảng 10 tấn, được các thợ chuyên nghiệp chạm khắc từ đá nguyên khối ở vùng Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng). “Đôi bò đua bằng đá cùng với sân đua bò được xây dựng mới sẽ là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Tri Tôn. Kinh phí thực hiện đôi bò đá được vận động từ nguồn xã hội hóa” - ông Ngọc thông tin.

Một công trình xã hội hóa khác đang được hoàn thành là chữ “TRI TÔN” trên đỉnh Phụng Hoàng Sơn. Mỗi chữ cái có chiều cao đến 7m, chưa kể bệ đỡ cao từ 1,5 - 2m. “Công trình như lời chào mời của Tri Tôn đối với du khách bởi dù ở vị trí rất xa, cũng có thể nhìn thấy chữ “TRI TÔN” nổi bật trên đỉnh núi” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN