Triển vọng từ mô hình nuôi ốc bươu

22/11/2023 - 07:15

 - Với ưu điểm dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, không đòi hỏi nhiều diện tích mặt nước, mô hình nuôi ốc bươu đen được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai, nhân rộng. Bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp nông dân cải thiện cuộc sống.

Thời gian qua, do môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, sự xâm nhập của ốc bươu vàng và nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường nên ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm. Nhận thấy triển vọng và giá trị kinh tế cao từ loài ốc này, nhiều nông dân trên địa bàn An Giang đã mạnh dạn cải tạo diện tích đất ao, vườn kém hiệu quả để chuyển sang nuôi ốc bươu đen, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Sốp (xã Tân An, TX. Tân Châu) đã thử nghiệm với 200.000 con ốc giống, được mua từ Campuchia. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, anh Sốp gần như hiểu rõ “tính nết” của loại động vật thân mềm này. Anh Sốp cho biết, ốc bươu đen là loài ưa sạch, sống trong môi trường nước không ô nhiễm, nên nguồn nước là quan trọng nhất. Vì vậy, cứ khoảng 7 - 10 ngày anh thay nước một lần. Sau mỗi đợt thu hoạch sẽ tiến hành dọn vệ sinh bằng men vi sinh kết hợp vôi. Trong quá trình nuôi, anh Sốp duy trì mực nước trong ao từ 1 - 1,5m. Trong ao kết hợp thả bèo, vừa làm thức ăn, vừa giúp điều chỉnh nhiệt độ khi trời nóng và lạnh.

Với ưu điểm nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, mô hình đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân

Trong môi trường gần như tự nhiên, chỉ sau 4 tháng thả nuôi là ốc bắt đầu đẻ trứng, có thể bán thương phẩm. Không thu hoạch một lượt, anh Sốp lựa chọn những con có kích thước “đúng chuẩn” để bán, những con chưa đảm bảo kích cỡ sẽ để lại cho những đợt tiếp theo. Nhờ phương pháp này mà gia đình anh có thể thu hoạch ốc quanh năm.

Theo anh Sốp, ốc thương phẩm loại từ 30 - 32 con/kg có giá bán từ 35.000 - 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Mỗi năm, anh cung cấp cho thị trường trên 2,5 tấn ốc thương phẩm, thu về lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng. Anh còn cung cấp trên 1 triệu con ốc giống cho các hộ nuôi trong và ngoài địa phương. Với giá bán 200 đồng/con giống, mang về thu nhập khả quan cho gia đình.

Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi ốc bươu. Theo đánh giá của các hộ nông dân, điều quan trọng trong mô hình nuôi ốc bươu là tạo cho ốc một môi trường sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, không tác động đến sự phát triển của ốc. Thức ăn của ốc đều là những loại rất quen thuộc, dễ tìm như các loại môn nước, rau cỏ mọc tự nhiên xung quanh các ao, mương ruộng, không dùng đến các loại thức ăn công nghiệp, nên đảm bảo chất lượng vốn có của loài ốc này. Do đó, nuôi loại thủy sản này hầu như không tốn thêm chi phí phát sinh.

Gia đình ông Võ Văn Nghiêm (ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) cũng thành công bước đầu với mô hình nuôi ốc bươu, dù mới thực hiện từ tháng 8/2023. Với diện tích 50m2, ông Nghiêm thả 150kg ốc bố mẹ. Trong đó, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành hỗ trợ 75kg giống và kỹ thuật nuôi. Ông Nghiêm đánh giá, ốc sinh sản tốt và tỷ lệ sống của ốc giống cao. Sau hơn 3 tháng nuôi, ông Nghiêm thu được 48kg ốc giống. Với giá bán 200 đồng/con, sau khi trừ chi phí, ông có lợi nhuận hơn 16 triệu đồng.

“Mô hình sản xuất giống ốc bươu đồng phù hợp điều kiện nuôi ở địa phương, có thể tận dụng mương, vườn có sẵn và những hộ ít đất sản xuất. Chi phí đầu tư thấp, người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có để tiết kiệm chi phí. Đây được xem là một trong những mô hình hiệu quả để người dân chọn lựa thực hiện, nhân rộng, mang lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương” - ông Nghiêm chia sẻ.

Tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), gia đình ông Trần Công Sánh cũng thực hiện mô hình với diện tích 250m2, số lượng là 37.500 con giống. Ông Sánh cho biết, ốc bươu khá dễ nuôi, tỷ lệ sống đạt 65%. Với tổng mức đầu tư thực hiện mô hình trên 29 triệu đồng, sau 5 tháng nuôi, ông Sánh mang về lợi nhuận trên 11 triệu đồng.

Nuôi ốc bươu đen là mô hình kinh tế mới, phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân trong tỉnh. Qua thực tế, mô hình này đang phát triển theo hướng tích cực, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc bươu đồng trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế thì việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi ốc bươu là hướng đi mới để nâng cao thu nhập, tạo hướng đi bền vững cho bà con nông dân.

MINH ĐỨC