Phát triển từ đồng bằng…
Chúng tôi có dịp ghé tham quan vườn nho Thiện Tính của ông Nguyễn Văn Mến (ngụ xã Long Kiến), một trong những vườn nho đầu tiên trên địa bàn huyện Chợ Mới. Vườn nho với diện tích khoảng 1.800m2, trồng trên 300 gốc nho Ninh Thuận đang trĩu trái, thu hút đông đảo khách tham quan.
Chia sẻ về lý do lựa chọn cây thân leo này, ông Mến cho biết, trước đây, gia đình ông trồng táo. Đợt dịch COVID-19 bùng phát, táo bán không được khiến gia đình lỗ nặng. Những suy nghĩ, trăn trở bắt đầu hình thành trong đầu ông Mến với mong muốn tìm loại cây trồng khác thay thế. Sau nhiều suy tính, ông Mến quyết định trồng nho ngón tay, có nguồn gốc từ Ninh Thuận.
Theo ông Mến, giống nho ngón tay này có thể trồng trên nhiều chân đất khác nhau, khả năng sinh trưởng khá, phù hợp trồng thâm canh. Có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh trung bình khá… Đặc biệt, ở địa phương chưa ai phát triển mô hình này nên dễ bán. Ngoài ra, giá loại nho này ở mức cao nên lợi nhuận được đảm bảo…
Mô hình trồng nho đang được nhiều nông dân áp dụng mang lại tín hiệu khả quan
Khoảng cuối năm 2021, ông Mến bắt đầu thử nghiệm 100 gốc nho ngón tay. Để có được kiến thức canh tác, ông Mến học hỏi thêm từ sách vở, các trang mạng xã hội… Với những kiến thức học được, ông Mến mạnh dạn áp dụng vào vườn nho của gia đình và đạt những kết quả khả quan.
Ông Mến cho biết, để nho phát triển tốt, ngoài việc xử lý đất thì nông dân cần hiểu rõ những đặc tính của cây, đồng thời lựa chọn thời điểm cắt cành hợp lý. Bên cạnh đó, chế độ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái nho sau này.
Từ những kết quả ban đầu, ông Mến mạnh dạn mua thêm 200 gốc nho về canh tác. Ông Mến chia sẻ thêm: “Nếu xử lý tốt, bình quân mỗi cây nho sẽ cho 5 - 10 chùm trái, trọng lượng khoảng 1,2kg/chùm. Loại này chịu hữu cơ nên tôi trồng theo phương pháp hữu cơ và một phần sử dụng phân hóa học. Từ lúc trồng đến lúc ra hoa là 5 tháng, sau đó ra trái là gần 3 tháng. Giá bán thị trường là 80.000 - 100.000 đồng/kg, lợi nhuận rất khả quan”.
…đến khu vực miền núi
Không chỉ bén duyên với nhà vườn ở vùng đồng bằng, cây nho còn được nhiều nông dân huyện miền núi Tri Tôn đưa về trồng thử nghiệm. Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài địa phương.
Thời gian gần đây, vườn nho của gia đình anh Đào Văn Phương, tọa lạc trên núi Dài (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) trở thành địa chỉ “hot” của người đam mê khám phá. Địa điểm này không mới, nằm ở vị trí khá cao, nhưng thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trải nghiệm. Muốn đến được vườn, phải băng qua những con dốc cao, quanh co.
Anh Phương cho biết, vườn nho được trồng thử nghiệm từ năm 2021, với các giống chủ yếu: Nho móng tay, nho kẹo, nho mẫu đơn, nho hạ đen… Anh trồng vừa để bán, vừa phục vụ người dân đến tham quan.
Đặc biệt, không thu phí tham quan, có thể thưởng thức tại chỗ, nên mỗi khi trái chín, du khách đến chụp ảnh, mua nho khá đông. Với mức giá bán tại vườn 100.000 đồng/kg, vườn nho hạ đen mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho gia đình. Đây là tín hiệu phấn khởi cho gia đình anh Phương phát triển mô hình kinh tế này.
Tại khu vực hồ Ô Thum (xã Ô Lâm), vườn nho của ông Nguyễn Văn Hiển thời gian gần đây trở nên quen thuộc đối với du khách gần xa. Hiện, vườn nho khoảng 20.000m2 của ông Hiển đang cho trái, phục vụ du khách.
Ông Hiển cho biết, nho sau khi trồng khoảng 4 tháng bắt đầu ra hoa, đợi thêm 2 tháng có thể thu hoạch trái. Vụ đầu, tôi không chú trọng sản lượng, mỗi gốc cho khoảng 2kg nho, ước tính cả vườn thu được 20 tấn, giá bán thị trường dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg” - ông Hiển nói.
Điểm chung của các mô hình trồng nho trên địa bàn tỉnh là kết hợp với dịch vụ tham quan, trải nghiệm. Mô hình thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm, du khách vừa được thưởng thức trái tại vườn, mua về nhà; đồng thời được thưởng thức các món ăn đồng quê, món ngon của địa phương và lưu giữ những kỷ niệm bên bạn bè và nguời thân…
Thành công bước đầu từ mô hình trồng nho của một vài nông dân trên địa bàn tỉnh góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, mở ra mô hình kinh tế mới để các hộ nông dân nghiên cứu học tập, góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.
MINH ĐỨC