Dưa lưới được trồng theo công nghệ cao cho hiệu quả, năng suất vượt trội
Ông Nghĩa cho biết, đầu năm 2022, ông quyết định đầu tư xây dựng nhà màng theo công nghệ Israel, với diện tích 2.000m2 để trồng các loại dưa lưới giá trị cao. Theo đó, ông xây dựng thành 4 khu nhà lưới riêng biệt (diện tích 500m2/khu) để luân canh trồng và thu hoạch các giống dưa khác nhau nhằm tránh bị “dội chợ”.
Để tránh lãng phí, hao tốn về vốn… trước khi trồng, ông Nghĩa tham quan một số mô hình đang trồng dưa lưới trong nhà màng hiệu quả, tham khảo, lựa chọn đơn vị uy tín về cung cấp vật tư, lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt.
Theo đó, nhà màng được lắp đặt với vách bao quanh bằng lưới chặn côn trùng nên kiểm soát được côn trùng gây hại, kiểm soát được các điều kiện về môi trường như: Nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và thông thoáng thông qua hệ thống làm mát, quạt, mái che cắt nắng... đảm bảo điều kiện tốt nhất cho dưa lưới phát triển, cho năng suất cao.
Để có thể cạnh tranh với thị trường, ông Nghĩa chọn các giống dưa chất lượng trồng trong nhà màng, như: Dưa lưới Huỳnh Long, dưa đế đặc mật, dưa lê vàng… Trong đó, 2 loại dưa Huỳnh Long, dưa đế đặc mật là giống cây nhập khẩu nên giá khá cao so với thị trường dưa giống trong nước. Song, chất lượng và năng suất rất cao nên ông Nghĩa ưu tiên trồng.
Năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đối với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của ông Nghĩa. Mô hình có tên “Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật) kiểm soát nhiệt độ môi trường và hệ thống châm phân tự động”.
Với hệ thống châm phân tự động và hệ thống làm mát cho 4 nhà màng, giúp quản lý tốt môi trường và nâng cao năng suất cây trồng. Mô hình có tổng vốn đầu tư trên 496 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 200 triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, năm đầu trồng chưa áp dụng công nghệ, sản lượng chỉ đạt 18,8 tấn/năm, giá bán loại 1 bình quân 35.000 đồng/kg, giá bán loại 2 bình quân 25.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 124 triệu đồng/năm. Năm 2023 chủ đầu tư được hỗ trợ mô hình ứng dụng công nghệ cao, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, bình quân 22 tấn/ năm, lợi nhuận 216 triệu đồng/năm.
Giới thiệu mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của mình, ông Nghĩa cho biết, hệ thống tưới nhỏ giọt từng gốc cây, chủ động cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây dưa, bình quân ngày tưới 8 - 12 lần. Giai đoạn cao điểm (cây ra hoa và nuôi trái), lượng nước tưới trong ngày là 14 lần mới đảm bảo năng suất và chất lượng. Cây dưa giống được trồng trên 1 giá thể được xử lý vi sinh vật có hại. Trung bình, 1 giá thể trồng được 4 cây giống.
Sau vụ thu hoạch, ông Nghĩa tiếp tục xử lý, vệ sinh, kháng khuẩn cho giá thể để sử dụng cho vụ tiếp theo. Nhằm đảm bảo chất lượng cây giống cũng như năng suất, giá thể chỉ được ông Nghĩa sử dụng 2 mùa vụ. Giá thể bỏ ra từ nhà màng được ông Nghĩa bán lại cho những nhà vườn khác để trồng cây cảnh, vừa tận dụng và tiết kiệm được chi phí.
“Giai đoạn cây ra hoa, thay vì thụ phấn bằng tay mất nhiều thời gian, tôi thả ong mật vào nhà lưới để thụ phấn cho dưa, tỷ lệ đậu quả đạt trên 85%. Sau khi cây trổ hoa đồng loạt, tôi chọn thời điểm tốt nhất để thụ phấn vào ban đêm. Mỗi lần ong làm nhiệm vụ thụ phấn mất khoảng 5 - 6 ngày, vừa tiết kiệm sức lao động, vừa đảm bảo tiêu chí phát triển vườn dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Theo đó, tôi đã nuôi 4 bầy ong mật để dùng cho việc thụ phấn dưa. Sau khi cây đậu trái, sẽ lựa chọn 1 trái tốt nhất, các trái còn lại cắt bỏ hết để quả phát triển và đảm bảo chất lượng” - ông Nghĩa chia sẻ.
Trọng lượng khi thu hoạch dưa lưới bình quân từ 1,8 - 2 kg/trái. Theo ông Nghĩa, từ lúc trồng đến khi thu hoạch dưa khoảng 3 tháng, giá bán bình quân 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 35 triệu đồng/vụ. Với 4 nhà màng, thu hoạch từ 3 - 4 vụ/nhà màng/năm, lợi nhuận mang lại là không nhỏ với người nông dân này. mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng sản phẩm thu được đảm bảo an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng, người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Vì vậy, sản phẩm rất dễ tiêu thụ.
Ông Nghĩa nhận định: “Mô hình giúp cho cây dưa sinh trưởng phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh hại, tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều so với cách trồng truyền thống. Tuy nhiên, quá trình trồng cần lưu ý thực hiện rất cẩn thận ở tất cả các khâu, như: Làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón, thụ phấn, tuyển trái...”. |
PHƯƠNG LAN