Trọng trách vinh quang của nghề giáo

19/11/2023 - 20:00

Nhà giáo vốn là công việc cao quý, song khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Trước yêu cầu đổi mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tin tưởng, mong muốn toàn thể đội ngũ nhà giáo sẽ nỗ lực hơn nữa; tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để hoàn thành được sứ mệnh, trọng trách vinh quang của ngành.

Sức sáng tạo và đổi mới của nhà giáo là điều rất ấn tượng và tự hào

Phóng viên (PV): Năm nay kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhìn lại kết quả của ngành giáo dục thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng của lực lượng nhà giáo hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói chưa bao giờ ngành giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc mầm non, cho tới đại học, giáo dục thường xuyên; kể cả lực lượng trực tiếp giảng dạy và quản lý.

Chúng ta vẫn nói hiện nay giáo viên đang thiếu khá nhiều, nhưng đó là xét về mặt nhu cầu để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và đảm nhiệm đủ người giảng dạy cho số học sinh, trẻ em ngày càng tăng. Còn so với nhiều năm về trước, đây là giai đoạn lực lượng nhà giáo lớn mạnh, đông đảo. Đây là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TL

Ở thời điểm này, nhà giáo cũng được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước; được đào tạo cả trong nước, ngoài nước, cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được bồi dưỡng huấn luyện về phương pháp giảng dạy, tiếp cận các phương pháp sư phạm mới, khoa học giáo dục tốt nhất của thời đại. Đăc biệt là giảng viên đại học, tỉ lệ được đào tạo ở nước ngoài, số lượng người có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể.

Những năm gần đây tỉ lệ trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học cũng gia tăng đã đem lại những nhân tố mới, làm cho lực lượng nhà giáo đông đảo hơn, cho thấy sự đầu tư từ nhiều phía.

Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt yêu cầu cao hơn với việc nâng cao trình độ của nhà giáo một mặt là áp lực, nhưng về tổng thể đã thúc đẩy nhà giáo nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đổi mới, cũng như về chất lượng giáo dục.

Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người; vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ học trò.

Và có thể nói rằng, lực lượng nhà giáo cũng đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc của mình. Sức sáng tạo và đổi mới của nhà giáo là điều tôi rất ấn tượng và tự hào. Ví dụ trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến, các nhà giáo thích nghi rất nhanh với công việc, với rất nhiều sáng kiến, sáng tạo.

Trong lực lượng nhà giáo có nhiều tấm gương vượt lên gian khổ để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi rất tin tưởng và tự hào.

Nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được trong thời điểm hiên tại - khi chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tầm vóc, vị thế như hiện nay, thì trong đó có phần đóng góp của các thầy cô giáo, của lực lượng làm công tác giáo dục.

Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng những thách thức, áp lực như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, tiếp tục trưởng thành.

Đổi mới càng sâu, thách thức càng lớn

PV: Bộ trưởng vừa nhắc đến những “áp lực của đổi mới”. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về những áp lực, thách thức trong đổi mới giáo dục giai đoạn hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau một chặng đường đổi mới, đã có những kết quả quan trọng là tiền đề. Những thách thức, bỡ ngỡ, lúng túng dần được điều chỉnh để đi vào nền nếp. Giáo viên đã bắt đầu quen với chương trình giáo dục phổ thông mới, với cách dạy mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn. Học sinh quen hơn với cách học, xã hội biết và chia sẻ nhiều hơn… đó chính là thuận lợi rất quan trọng.

Tuy vậy, đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Công cuộc đổi mới có rất nhiều thay đổi và khi một phần không nhỏ trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi đó sẽ dễ dẫn đến kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, cần phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ phía xã hội, nhân dân, phụ huynh để tất cả cùng đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục.

Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.

Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi gặp gỡ, đối thoại nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục". Ảnh: TL.

Cùng với đó, khó khăn đến từ sự chuẩn bị các điều kiện ở phía địa phương cho công cuộc đổi mới. Do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương dẫn đến việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế. Ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thách thức sẽ còn chồng chất hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ hiệu quả. Trong khi đó, ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn về sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường.

Về phía Bộ GDĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Cần có chính sách thu hút học sinh giỏi bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt

PV: Có thể thấy, thời gian qua còn có tình trạng học sinh chưa “mặn mà” chọn ngành sư phạm, hay không ít giáo viên bỏ nghề. Theo Bộ trưởng cần có chính sách gì để thu hút đội ngũ trẻ, giỏi gắn bó với ngànhsư phạm?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.

Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập nhưng ít phải đảm bảo mức sống để người ta có thể sống bằng nghề.

Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt. Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ khi có Nghị định 116 việc thu hút học sinh vào học sư phạm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng và hiện nay, Bộ GDĐT đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.

Còn một việc nữa là làm sao để thu hút được những người đam mê với ngành và người ta thấy rằng nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang, cao quý, ở đó người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.

Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ để khi nhà giáo tham gia hoạt động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ. Được quan tâm, được kỳ vọng nhưng phải được hỗ trợ, được tôn vinh.

Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ. Đặc biệt là khối giáo dục đại học, nếu không thu hút được lực lượn nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành sẽ rất khó có một nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Cũng trong lĩnh vực giáo dục đại học, cần có cơ chế trong sở hữu trí tuệ để những sản phẩm trí tuệ được thương mại hóa phục vụ cho sản xuất, cơ chế thông thoáng vừa kích thích đổi mới sáng tạo trong nhà trường, sự đổi mới sáng tạo của từng cá nhân và đó cũng là con đường để thu hút nhân tài tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học.

PV: Vậy, gỉai pháp nào để nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong thời kỳ chuyển đổi của xã hội có những điều chỉnh của hệ giá trị, hoặc trong sự phát triển của giáo dục cũng có một bộ phận, có những người, có những việc khiến cho xã hội thấy chưa hài lòng; đương nhiên có những tổn hại đến tôn nghiêm của lực lượng nhà giáo. Tuy nhiên, đó chỉ có tính chất bộ phận, còn với truyền thống hiếu học, với văn hóa của Việt Nam, nghề nhà giáo vẫn là một nghề cao quý, tôn nghiêm. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để củng cố sự cao quý, tôn nghiêm đó, để trong thời kỳ thay đổi của xã hội, ngày càng xác lập và vun cao hơn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp.

Tôi vẫn nhắc lại rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bao giờ nhà giáo cũng coi đó là trách nhiệm của chính mình, bằng sự mẫu mực đạo đức, nhân cách, bằng tinh thần khoa học, tinh thần giáo dục để tự mình thuyết phục xã hội nhiều hơn. Sự cố gắng của nhà giáo là một chuyện, cần có cả sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía xã hội nữa.

Giá trị đạo đức nhà giáo phải là một bộ phận chấn chỉnh của toàn bộ đạo đức xã hội. Các câu chuyện ứng xử xã hội cần có sự điều chỉnh, chứ không chỉ là quan hệ phụ huynh với nhà giáo hay học sinh với nhà giáo, mà cần những điều chỉnh trong xây dựng gia trị đạo đức xã hội, những chuẩn mực. Khi chúng ta làm tốt uốn nắn với cái chung, trong đó những giá trị tốt đẹp của hoạt động giáo dục, của nhà giáo sẽ được cải thiện.

Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo

PV: Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có gửi gắm tâm tư gì đến với đội ngũ nhà giáo trên cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo vốn là công việc cao quý, khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng, dễ dàng cả. Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao, mong toàn thể nhà giáo đã nỗ lực sẽ nỗ lực hơn nữa; tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành. Thực hiện thật tốt những việc đó thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc của mình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu của ngành Giáo dục Hà Nội. Ảnh: TL.

Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý.

Người thầy cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.

Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi chúng ta sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

Nhân dịp 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin chúc tất cả các nhà giáo có một dịp 20/11 thật vui, hạnh phúc, tăng thêm yêu nghề, yêu đời, làm tốt công việc của mình!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Đảng Cộng Sản