Tự hào vùng đất An Giang

24/10/2022 - 06:59

 - Từ trước khi triều Nguyễn xác lập địa giới hành chính với tên gọi An Giang (năm 1832), vùng đất này đã khẳng định vị thế quan trọng, từng có nền văn hóa Óc Eo phát triển rực rỡ và có thương cảng giao lưu quốc tế lớn nhất Đông Nam Á dưới thời Vương quốc Phù Nam. Ngày nay, An Giang tự hào khi góp công giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới Tây Nam và song hành cùng sự phát triển của đất nước.

Nền văn hóa Óc Eo rực rỡ

Tỉnh An Giang ngày nay có diện tích tự nhiên 3.536,8km2, phía Tây Bắc giáp Campuchia (104km), phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang (gần 70km), phía Nam giáp TP. Cần Thơ (hơn 44,7km), phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp (hơn 107,6km).

Vị thế của An Giang được khẳng định là một phần quan trọng trong vùng Tứ giác Long Xuyên (“vựa lúa” của ĐBSCL và cả nước), nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, là cửa ngõ kết nối giao thương với các nước tiểu vùng Mekong, là phên giậu trọng yếu trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Phạm Ngọc Trâm (Trường Đại học Thủ Dầu Một), không phải đến bây giờ mà ngay từ thời cổ đại, An Giang đã giữ vị thế đầu tàu trong tiến trình Nam Bộ hội nhập khu vực và thế giới. Vùng đất An Giang ngày nay là địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa sơ kỳ lịch sử của Vương quốc cổ Phù Nam, trải rộng khắp châu thổ sông Cửu Long với nền tảng là miền Tây sông Hậu. Quá trình hình thành và phát triển xã hội Óc Eo kéo dài từ đầu thế kỷ I đến X và muộn hơn. Từ nền văn hóa Óc Eo đã hình thành nên quốc gia Phù Nam cổ đại.

Từ những kết quả nghiên cứu về văn hóa Óc Eo cho thấy, ngay từ thời cổ đại, vùng đất An Giang (ngày nay) đã là trung tâm sản xuất nông nghiệp, đồng thời là một cảng thị lớn nhất Đông Nam Á. Đô thị cảng Ba Thê - Óc Eo sớm trở thành trung tâm mậu dịch quốc tế của Phù Nam và cả vùng Đông Nam Á lục địa. Văn hóa Óc Eo có tầm lan tỏa rộng, trong đó, Khu di tích Óc Eo (huyện Thoại Sơn) được các học giả phương Tây nhìn nhận là thương cảng lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

“Từ sự lớn mạnh của Vương quốc Phù Nam gắn liền với việc xây dựng và phát triển của trung tâm thương mại quốc tế Óc Eo cho thấy, vùng đất An Giang (ngày nay) là đầu tàu của Nam Bộ trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới ngay từ thời cổ đại” - PGS.TS Phạm Ngọc Trâm đánh giá.

Đóng góp của tiền nhân

Bằng nhiều chính sách mềm dẻo, khôn khéo, chúa Nguyễn (Đàng Trong) đã đẩy mạnh công cuộc Nam tiến. Đến năm 1757, chúa Nguyễn hoàn thành việc xác lập chủ quyền trên toàn bộ vùng đất này. Sau đó, lập thành 3 đạo: Đông Khẩu đạo, Tân Châu đạo, Châu Đốc đạo và đặt dưới sự quản lý của dinh Long Hồ.

Dinh Long Hồ lập năm 1732, năm 1780 đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1808 đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi “Ngũ trấn” thành “Lục tỉnh”, gồm: Phiên An (sau là Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Như vậy, An Giang là tên gọi chính thức từ buổi đầu của “Nam Kỳ lục tỉnh”, trải qua nhiều thay đổi, vẫn còn giữ tên gọi đến ngày nay.

Từ khi chúa Nguyễn xác lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, rồi triều đình nhà Nguyễn xác lập nền hành chính thống nhất, vùng đất An Giang luôn được đánh giá cao về vị trí, vai trò trong tiến trình hội nhập và phát triển của Nam Bộ. Vị vua đầu triều Nguyễn là Gia Long từng khẳng định: “Châu Đốc, Hà Tiên bờ cõi chẳng kém Bắc Thành”. Năm 1821, vua Minh Mạng đã ban chỉ dụ khẳng định: “Châu Đốc là đất xung yếu, ngươi nên khéo phủ dụ, mộ dân buôn lập thành làng mạc để hộ khẩu ngày một tăng, đồng ruộng ngày càng mở mang”.

Với chính sách mộ dân khẩn hoang, lập làng, xây dựng đồn điền, vùng đất An Giang nhanh chóng trở nên trù phú. Trong số các bậc khai quốc công thần mở cõi phương Nam, Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) để lại dấu ấn lớn nhất với công trình mang tên ông (kênh Thoại Hà, hoàn thành năm 1918) và vợ ông (kênh Vĩnh Tế, hoàn thành năm 1824), có giá trị rất lớn về mặt giao thương, nông nghiệp, phát triển làng mạc, có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng đến ngày nay.

Nỗ lực vươn lên

Tiếp nối công lao của các bậc hiền nhân, An Giang trở thành vùng đất kiên cường trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước. Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Bắc - Nam liền một cõi, An Giang tiếp tục đóng góp lớn trong chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng Pol Pot. Từ đêm trước đổi mới (năm 1986), An Giang đã sớm “phá rào”, mạnh dạn giao đất, nông cụ cho nông hộ sản xuất, tạo nên đột phá nông nghiệp thần kỳ.

Quá trình đột phá, sáng tạo, đổi mới của An Giang như được tiếp sức khi năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ phát lệnh đào kênh T5 - Tuần Thống, sau đó là hàng loạt công trình thoát lũ ra Biển Tây, biến “túi phèn” hoang hóa vùng Tứ giác Long Xuyên trở thành “vựa lúa” ngày nay.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ khi được chính thức ghi tên vào hệ thống hành chính (1832) đến nay, trải qua 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022), An Giang là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân An Giang đã không ngừng phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, xứng tầm với công sức khai mở, vun bồi của những bậc tiền nhân.

“Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, vùng đất và con người An Giang đã không ngừng bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, miệt mài sáng tạo những thành quả mới để khẳng định vị thế trên bản đồ đất nước. Đó là một hành trình xây đắp và kiến tạo để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và cao hơn mức trung bình của cả nước” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

“Từ vị trí địa lý thuận lợi cộng với sự ưu đãi của thiên nhiên, từ rất lâu, An Giang đã trở thành vùng kinh tế hàng hóa lớn của Nam Bộ, một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới. An Giang là cửa ngõ để Nam Bộ hội nhập với khu vực và thế giới, nhất là các nước: Campuchia, Thái Lan, Lào” - PGS.TS Phạm Ngọc Trâm khẳng định

 

NGÔ CHUẨN