Tức Dụp tháng 4!

30/04/2019 - 07:35

 - Tháng 4. Mấy tán phượng trổ hoa đỏ rực như thắp lửa trên từng vách đá cheo leo của đồi Tức Dụp (xã An Tức, Tri Tôn). Hòa trong không khí kỷ niệm ngày thống nhất non sông, tôi có dịp trở về căn cứ địa cách mạng này để lắng nghe tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, của tinh thần chiến đấu kiên cường mà quân - dân An Giang đã chạm khắc vào lịch sử chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Một chuyến đi

Tức Dụp trong những ngày tháng 4 đã khoác lên mình vẻ hùng vĩ, xanh tươi của cỏ cây. Cuộc chiến ác liệt biến Tức Dụp trở thành “ngọn đồi 2 triệu đô-la” đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng âm vang của nó còn vọng đến bây giờ. Về thăm căn cứ địa cách mạng này, tôi như chìm vào ký ức của 128 ngày đêm hào hùng đầy máu lửa. Vẫn còn đây là hang Hội trường C6, hang Cơm Khô, hang Chiến sĩ vô danh, hang Phụ nữ, hang Quân y, hang Tỉnh ủy… tất cả minh chứng một thời oanh liệt của quân- dân ta quyết giữ lấy Tức Dụp, nơi có vị trí là chốt tiền tiêu, đầu cầu liên lạc vận chuyển vũ khí, nhân lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở các tỉnh ĐBSCL thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Có dịp đến thăm đồi Tức Dụp, bạn Thạch Đăng (ngụ tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Đến thăm nơi này giúp tôi hiểu thêm về lòng yêu nước. Tham quan các hang động của Tức Dụp tôi mới biết cha ông ngày xưa đã chiến đấu trong điều kiện gian khổ như thế nào. Nhưng lòng yêu nước đã giúp các chiến sĩ cách mạng vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững tay súng dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Sống trong thời bình, tôi nghĩ các bạn trẻ cần đến thăm những “địa chỉ đỏ” như Tức Dụp để hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc và biết trân trọng những chiến công cha ông xưa phải đổi cả máu xương mới có được!”.

Tức Dụp hôm nay

Lần theo những lò ảng của Tức Dụp, tôi bất ngờ bởi sự chằng chịt của các lối đi trong lòng ngọn đồi huyền thoại này. Chính sự độc đáo về mặt địa hình của Tức Dụp đã giúp chiến sĩ ta chống chọi được với hỏa lực khủng khiếp của kẻ thù. Cũng bởi vị trí chiến lược quan trọng của đồi Tức Dụp mà Mỹ-Ngụy đã điều 18.000 quân đủ mọi lực lượng từ bộ binh, biệt động quân, biệt kích Mỹ, lính Đại Hàn, biệt kích dù và dùng những vũ khí tấn công hạng nặng như: xe thiết giáp, pháo 105mm, pháo 155mm, máy bay B52, B57, F4, F105, trực thăng quân sự… với mục đích biến đồi Tức Dụp thành “đất chết”, nhưng chúng đã thất bại ê chề.

Bên trong những lò ảng của Tức Dụp hôm nay vẫn tồn tại không khí chiến đấu của 50 năm trước, qua các bức tượng tái hiện hình ảnh người chiến sĩ cộng sản chông súng đứng canh, sẵn sàng chiến đấu. Xuyên qua những lò ảng nhỏ hẹp và chằng chịt, tôi cảm nhận được hơi lạnh của đá và sự ác liệt của chiến tranh. Có thể nói, không một tảng đá nào ở Tức Dụp mà không trải qua sự công phá của bom đạn. Thế nhưng, thời gian đã kéo liền những vết thương trên đá, để màu xanh dần chiếm lại quả đồi lịch sử này. Hôm nay về Tức Dụp, tôi nhận thấy nét đẹp mộng mơ, đầy sức sống của căn cứ cách mạng đã trải qua thời khói lửa này.

Ký ức về Tức Dụp

Để hiểu thêm về cuộc chiến huyền thoại 128 ngày đêm năm xưa, tôi đến gặp anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư (Hai Cư). Từng cầm súng chiến đấu trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, ông Hai Cư nhớ như in những ngày tháng đó. Khi ấy, ông là Huyện đội trưởng Huyện đội Tri Tôn, chỉ huy lực lượng chưa đến 40 chiến sĩ. Tuy nhiên, bằng lối đánh du kích thông minh, ông Hai Cư và đồng đội đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khiến chúng điên tiết gia tăng cường độ tấn công nhưng vẫn không thực hiện được ý đồ của mình.

“Thời đó, anh em chúng tôi chỉ chiến đấu với một tinh thần duy nhất, đó là không chịu mất nước, bởi mất nước là nỗi nhục không gì sánh bằng. Ai cũng nghĩ, nếu mình ngã xuống thì còn anh em khác tiến lên. Cuộc chiến còn dài, mình còn cầm súng là còn chiến đấu. Bởi thế, anh em chiến sĩ không hề nao núng trước sức ép khủng khiếp từ bom đạn quân thù và thủ đoạn chiêu hàng của chúng. Thời đó, chỉ huy và chiến sĩ như anh em trong nhà, quyết tâm bám từng tấc đá Tức Dụp, giành giật từng lò ảng với kẻ thù. Sau cuộc chiến, chúng tôi nhận được 8 chữ vàng “kiên cường bất khuất, giữ vững núi Tô” do Bộ Tư lệnh miền Nam phong tặng. Đó là phần thưởng tinh thần cao quý, đã đi theo cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ và sống mãi trong tim những người đã khuất” - ông Hai Cư trải lòng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư, một trong những người chỉ huy dũng cảm trận đánh Tức Dụp năm nào

Cao điểm của cuộc chiến, kẻ địch dùng bom xăng, bom dầu thiêu đốt Tức Dụp như Hỏa Diệm Sơn trong truyền thuyết, với ý đồ sẽ tiêu diệt hết lực lượng của ta. Tuy nhiên, ta vẫn bám trụ kiên cường với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân trong vùng. Đến tận bây giờ, khi nhắc lại ký ức đó trong đôi mắt hằn dấu thời gian của ông Hai Cư vẫn rừng rực ngọn lửa đấu tranh. Với trang bị vũ khí hạn hẹp, ta dựa vào “mê cung” lò ảng của Tức Dụp để chống lại lực lượng địch đang rình mò tiến lên. Có lẽ, trận đánh làm ông Hai Cư nhớ nhất chính là lúc ta cài 10 quả mìn tự chế (mỗi quả nặng 8kg) dưới lòng Hội trường C6. Khi tiểu đoàn địch tràn vào nơi này, ta cho mìn nổ làm chúng chết la liệt. Đến nay, Hội trường C6 đã được phục dựng nhưng ký ức về trận đánh đó vẫn mãi là “dấu son” trong lòng Tức Dụp.

Khi được hỏi về mong mỏi của cuộc đời mình, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư nhắn nhủ: “Giờ đây, tôi đã 85 tuổi đời, nhưng trái tim vẫn gắn bó cùng Tức Dụp và sẽ tiếp tục sứ mệnh là người truyền lửa cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước và ký ức hào hùng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân - dân vùng Bảy Núi. Tôi mong thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông, nỗ lực vươn lên để xây dựng nước nhà ngày càng văn minh giàu đẹp, xứng đáng với máu xương mà thế hệ chúng tôi đã đổ xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay!”. 

 Trận đánh 128 ngày đêm tại đồi Tức Dụp diễn ra từ ngày 18-11-1968 đến 25-3-1969. Sau trận đánh, ta đã loại khỏi vòng chiến trên 4.700 tên địch, bắn hạ 11 xe tăng, 2 máy bay phản lực, 4 trực thăng, thu hàng ngàn súng ống các loại... Trận đánh trên đồi Tức Dụp đã trở thành bản anh hùng ca, là niềm tự hào cho quân- dân An Giang trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước cho đến ngày toàn thắng và trong công cuộc kiến thiết quê hương hôm nay.

 

THANH TIẾN