Hiện tại, chuồng nuôi bò của anh Sang có 5 con bò trưởng thành, được vỗ béo khỏe mạnh, đạt trọng lượng và chuẩn bị xuất bán. Bắt tay thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, anh Sang chọn nuôi bò lứa thay cho bò con, vì chỉ cần khoảng 3,5 - 4 tháng chăm sóc là có thể cho xuất chuồng. Với cách làm này, giúp anh Sang tiết kiệm được thời gian chăn nuôi, giảm được nhiều rủi ro, đạt lợi nhuận ổn định.
“Dù số vốn đầu tư để mua bò lứa nhiều hơn so với bò con, tuy nhiên nhanh lấy lại nguồn vốn để tái đầu tư, sản xuất. Thời gian nuôi ngắn, ít phát sinh vấn đề, mình chỉ cần tập trung cho ăn uống đủ bữa, đủ dinh dưỡng là bò sẽ phát triển nhanh, thịt nhiều, thương lái thu mua được giá hơn” - anh Sang giải thích. Số lượng bò trong chuồng luôn đảm bảo ổn định từ 5 con trở lên, nên nguồn thức ăn phải được tính toán, lên kế hoạch cụ thể. Bởi vậy, sau một thời gian tìm hiểu, anh Sang đã đầu tư, phát triển thêm mô hình sản xuất đậu hũ để cung cấp cho tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP. Châu Đốc.
Việc làm và bán đậu hũ mỗi ngày là hình thức “lấy ngắn nuôi dài” được anh Sang ứng dụng rất hiệu quả. Vì qua phần lợi nhuận mỗi ngày từ đậu hũ, có thể đáp ứng chi tiêu trong gia đình, còn có thể tận dụng phụ phẩm bã đậu nành làm từ đậu hũ để nấu cháo cho bò ăn. Bằng cách làm này, có thể xử lý được lượng phụ phẩm trong sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường, còn thêm một loại thức ăn bổ dưỡng, giúp bò mau lớn, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi.
"Ngoài diện tích đất nhà để trồng cỏ cung cấp cho bò, nguồn bã đậu nành, số lượng hèm mua được từ các hộ nấu rượu tại địa phương đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí trong chăn nuôi, bò bán thịt được đánh giá cao về chất lượng, giá cả và lợi nhuận mang lại ổn định hơn” - anh Sang thông tin.
Dùng nguồn phụ phẩm từ sản xuất đậu hũ sạch làm nguồn thức ăn cho bò, vừa kinh tế, vừa bảo vệ môi trường
Mỗi ngày, cơ sở của anh Sang có thể cung cấp khoảng 400 đến hơn 1.000 miếng đậu hũ. Còn vào các ngày rằm thì số lượng tăng nhiều hơn. Trong quá trình sản xuất đậu hũ, anh Sang không dùng thạch cao hay chất bảo quản mà sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn. Nguyên liệu chính là đậu nành được nhập khẩu, nước muối cốt thay cho giấm hóa học nhằm kết tủa tạo đậu hũ an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
Nhờ sản xuất đậu hũ chất lượng, an toàn, giá cả cạnh tranh nên đậu hũ từ cơ sở của anh Sang được người tiêu dùng lựa chọn, số lượng bán ra thị trường ngày càng nhiều. Theo anh Sang, trước đây việc sản xuất đậu hũ của gia đình rất cực, vì các công đoạn chủ yếu thực hiện thủ công nên phải thức từ sớm để xay đậu nành, khuấy sữa, cho vào khuôn, đến khoảng 6 giờ sáng thì mới hoàn tất việc bỏ mối ở các chợ. Sau đó lại tiếp tục đi cắt cỏ, sử dụng bã đậu nành nấu cháo cho bò ăn…
Hiện nay, anh Sang đã mạnh dạn đầu tư nồi hơi để chế biến đậu nành, vừa tiết kiệm thời gian lại có thể sản xuất ra đậu hũ với số lượng nhiều hơn. Nồi hơi sử dụng nhiên liệu củi được anh Sang thu mua từ lượng gỗ vụn từ những cơ sở mộc ở địa phương và phần khí gas từ bể biogas của gia đình. Có máy móc hỗ trợ, nên việc sản xuất đậu hũ cũng khỏe hơn, gia đình có thêm thời gian nghỉ ngơi, suy nghĩ đầu tư thêm những dự án kinh doanh mới, như: xây dựng thương hiệu đậu hũ sạch, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất…
Tận dụng phân bò làm biogas
Được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật địa phương, anh Sang đã mạnh dạn ứng dụng thêm mô hình làm bể biogas bằng chất liệu composite, tận dụng chất thải từ mô hình chăn nuôi bò. Với cách làm này giúp bảo vệ môi trường, có nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Phần chất thải từ bồn biogas có thể sử dụng làm phân bón cho diện tích đất trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho đàn bò.
Đây là mô hình sản xuất hiệu quả, không chỉ tạo ra được nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương; cùng với việc tận dụng phụ phẩm, có thể được nhân rộng thêm...
ÁNH NGUYÊN