Phát triển vượt bậc
Nhiều số liệu minh chứng cho sự phát triển vượt bậc: giai đoạn 2004-2020, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2004-2020 đạt 4,6% (trong khi cả nước chỉ 3,76%). Giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 317.270 tỷ đồng (năm 2010) lên 461.651 tỷ đồng (năm 2020), tính theo giá so sánh năm 2010. Thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 20,2 triệu đồng lên gần 38 triệu đồng sau 10 năm.
Sản xuất lúa, trái cây, nuôi trồng thủy sản đạt được nhiều tiến bộ, hình thành các mô hình tập trung chuyên canh, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Sản lượng lúa tăng từ 18.567.000 tấn (năm 2004) lên 23.819.000 tấn (năm 2020); sản lượng thủy sản từ 1.622.000 tấn lên 4.698.000 tấn; trái cây từ 3.746.000 tấn lên 4.736.000 tấn. Sản phẩm được xuất khẩu đi hàng loạt thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ, trong 20 năm qua, tỉnh trải qua 3 giai đoạn phát triển nông nghiệp. Giai đoạn 1 (2003-2008), tỉnh tập trung chỉ đạo 3 trụ cột: xây dựng chương trình đảm bảo an ninh lương thực (nổi bật là sản xuất lúa từ 2 vụ lên 3 vụ); kiểm soát lũ (cụm tuyến dân cư vượt lũ, dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, tiêu thoát lũ ra Biển Tây…); kiện toàn hệ thống trạm bơm điện và thủy lợi, gắn cơ chế hóa nông nghiệp. Giai đoạn 2 (2007-2017), tập trung xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng tốt để thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Thời điểm này, trụ cột chính của tỉnh là chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gắn vào sản phẩm chủ lực (lúa gạo), “Cánh đồng lớn”, mở rộng thị trường xuất khẩu; đưa vào kinh tế hợp tác, bắt đầu hình thành liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) thực hiện các sản phẩm chủ lực của tỉnh lẫn quốc gia.
Nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ nông nghiệp. Ảnh: GIA KHÁNH
Giai đoạn 3 (từ 2017 đến nay), An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL, bắt đầu chuyển sang thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ quy mô sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, từ giá trị thấp sang giá trị cao, giảm bớt sản xuất lúa, tăng sản xuất thủy sản, rau màu và cây ăn trái; hình thành 4 vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu (cá tra, nếp, cây ăn trái, chăn nuôi).
…và chựng lại?
Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đặt vấn đề: “ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Nhìn lại, nông dân trong vùng tuy không nghèo, nhưng không thể làm giàu từ sản phẩm chủ lực. Tại sao lại có bất cập như thế?”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế buộc phải nhìn nhận rằng, vùng ĐBSCL đang dần mất đi những lợi thế phát triển, quá trình phát triển đang chậm lại so với nhiều vùng khác. Lĩnh vực nông nghiệp vốn có lợi thế, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. Việc đặt ra và thực hiện chỉ tiêu cứng về diện tích trồng lúa, sản lượng, gây khó khăn cho việc mở rộng cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi có giá trị cao hơn. Nhiều chuỗi giá trị quan trọng chưa được hình thành, phát huy tác dụng, nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn hạn chế. Sản phẩm chủ yếu còn ở dạng nguyên liệu qua sơ chế, giá trị gia tăng khác. Cùng với đó là vướng mắc về chính sách, hợp tác và liên kết vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm nghẽn giao thông…
Nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ nông nghiệp. Ảnh: H.C
Do vậy, các tỉnh, thành phố cần có khâu đột phá trong liên kết vùng, mỗi địa phương có lợi thế riêng cần được phát huy. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng; tăng cường liên kết chuỗi giá trị; tổ chức liên kết sản xuất, nhất là hợp tác xã; đột phá trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng sản xuất hữu cơ… Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với doanh nghiệp và hợp tác xã; sản xuất lớn, hình thành vùng nguyên liệu lớn; hình thành các mô hình điểm, hợp tác xã nông nghiệp làm ăn hiệu quả để nhân rộng; xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng và thông tin giá cả nông sản. Trong liên kết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, lấy TP. Cần Thơ làm trung tâm. Song, liên kết vùng phải cụ thể, có khâu đột phá; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản vùng ĐBSCL hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Anh Thư cho rằng, Bộ Chính trị nên có 1 nghị quyết mới cho kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, tình hình mới (biến đổi khí hậu phức tạp, hội nhập về kinh tế). ĐBSCL cần đầu tư về hạ tầng, logistics để phục vụ xuất khẩu nông sản, giảm chi phí. “Chỉ cần rút ngắn thời gian xuất khẩu là đã tăng cơ hội cạnh tranh. An Giang rất đồng tình với việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng chuyên canh đặc thù. Không còn khái niệm sản phẩm này của tỉnh này, mà tất cả đều là sản phẩm mang thương hiệu chung ĐBSCL. Trên cơ sở đó, có doanh nghiệp vào khai thác, vận hành, gắn với liên kết vùng và liên kết sản xuất” - ông Trần Anh Thư bày tỏ.
Nghị quyết 21-NQ/TW và Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL là “đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP, cơ cấu lao động… Đối với nông-lâm-ngư nghiệp, phải áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác. Ổn định sản lượng và nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và góp phần xuất khẩu…”
|
GIA KHÁNH