"Uống nước nhớ nguồn": Một đạo lý làm nên sức mạnh Việt Nam

12/04/2025 - 14:32

Việc quan tâm về cả vật chất lẫn tinh thần từ phía Đảng, Nhà nước và toàn xã hội là nguồn động viên to lớn đối với những người có công và thân nhân, tạo ra niềm tin vững bền vào chế độ.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại cuộc gặp mặt ngày 9/4/2025 với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia kháng chiến chống Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống "uống nước nhớ nguồn," biết ơn và tri ân các thế hệ đi trước.

Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và thực hiện tốt nhất có thể chính sách xã hội đối với người đã có công với nước, những người đã đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Để có được ngày thống nhất non sông 30/4/1975, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã phải trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua biết bao khốc liệt của đạn bom.

Chỉ tính từ năm 1954 đến năm 1975, đế quốc Mỹ đã huy động 6,6 triệu lượt lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, lúc cao nhất là 549.500 quân (tháng 4/1969) cùng 72.600 quân các nước chư hầu.

Phục vụ cuộc chiến ở Việt Nam có 70% lực lượng lục quân của Mỹ (tất cả các đơn vị tinh nhuệ nhất), 60% lực lượng không quân (45% máy bay B52 và các loại máy bay hiện đại nhất), 40% lực lượng hải quân (trong đó có 15 trong tổng số 18 tàu sân bay).

Từ tháng 1/1961 đến tháng 3/1973, Mỹ đã ném xuống Việt Nam 14,3 triệu tấn bom đạn, tương đương 725 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Số bom napan (bom cháy) Mỹ sử dụng ở Việt Nam lớn gấp 25 lần số bom Mỹ được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mỹ đã viện trợ cho quân ngụy Sài Gòn hơn 18 tỷ USD bao gồm 1.800 máy bay, hơn 2.000 xe tăng, xe bọc thép, hơn 1.500 khẩu pháo, hơn 56.000 xe cơ giới, gần 2 triệu khẩu súng các loại…

Tổng chi phí cho chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là 676 tỷ USD. Số tiền này sẽ nhân lên nhiều lần nếu tính theo giá cả hiện nay.

Về phía Việt Nam, trong tổng số 1.146.250 liệt sỹ kể từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay thì có 849.018 người hy sinh riêng trong kháng chiến chống Mỹ.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều liệt sỹ nhất với 65.000 người hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, bên cạnh đó là hơn 30.000 thương binh. Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam cũng là huyện có nhiều người hy sinh nhất cả nước với hơn 19.800 liệt sỹ.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc có khoảng hơn 4 triệu dân thường Việt Nam đã chết và bị thương tật suốt đời.

nguoi-co-cong.jpg

Cán bộ y tế Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công tỉnh Thái Bình (cơ sở 1, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) chăm sóc sức khỏe cho người có công. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Với dân số 100 triệu người, Việt Nam mỗi năm dành 29.000 tỷ đồng từ ngân sách để chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 800.000 thương binh, hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc da cam dioxin…

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, chế độ người có công với cách mạng bao gồm các chế độ: trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học; hỗ trợ cải thiện nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất…

Trong những năm gần đây, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

 
tang-qua-nguoi-co-cong.jpg

Tặng các suất quà cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp đối với người có công được tăng từ 1.318.000 đồng vào năm 2015 lên 2.789.000 đồng từ năm 2024.

Trong số những người có công và thân nhân có hơn 1,2 triệu người đang hưởng sự trợ cấp, phụ cấp hằng tháng. Trong giai đoạn 2016-2020 việc hỗ trợ các hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở đã cơ bản được hoàn thành (339.176 hộ, đạt 96,7%).

Có tới 98,6% gia đình người có công hưởng mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng trong xác nhận người có công; tích cực thực hiện việc quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính liệt sỹ, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí bình quân 600-700 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, công tác xã hội hóa nguồn lực chăm sóc người có công cũng rất được quan tâm. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã vận động được hơn 610 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới gần 4.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 3.400 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 338 tỷ đồng; tặng trên 6.400 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 15 tỷ đồng; 2.412 Mẹ Việt Nam Anh hùng ở thời điểm năm 2024 được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời...

Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả những người có công với cách mạng và thân nhân sẽ có mức sống trung bình khá trở lên.

Khoản trợ cấp cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh ở mức cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội. Các căn nhà tình nghĩa sẽ tiếp tục được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước.

Việc quan tâm về cả vật chất lẫn tinh thần từ phía Đảng, Nhà nước và toàn xã hội là nguồn động viên to lớn đối với những người có công và thân nhân, tạo ra niềm tin vững bền vào chế độ. Đây cũng là một trong nhiều “chất liệu đặc biệt” xây đắp nên sức mạnh Việt Nam mà bất kỳ kẻ xâm lược nào cũng phải e sợ./.

Theo TTXVN/Vietnam+