Viết cho ngày 20-11 khác lạ

19/11/2021 - 06:09

 - Sau này, khi mọi thứ đã trôi qua, khi đại dịch trở thành quá khứ, chúng ta sẽ nhớ mãi về một năm học khác lạ nhất trong lịch sử giáo dục. Năm học ấy, chiếc trống trường im lìm trầm mặc, người thầy không “lặng lẽ đi về sớm khuya”, chẳng có “hạt bụi nào rơi trên bục giảng”. Thậm chí, mấy tháng trời giảng dạy, thầy và trò chưa gặp mặt nhau lần nào…

Cô Hà Thị Tuyết Dân (giáo viên dạy tiểu học ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) khó quên những ngày nhà giáo trước đó. Ở nông thôn, tụi nhỏ được đến trường đầy đủ đã là nỗ lực rất lớn của phụ huynh. Dịp 20-11, nhà trường tổ chức họp mặt thầy cô. Phụ huynh đến trường tìm gặp, có chút tấm lòng thơm thảo, gửi tặng giáo viên ít quà, như: Xà phòng, trái cây… thay lời tri ân. Có hôm, trong tiết học, tụi nhỏ ào lên ríu rít tặng quà cho cô giáo. “Quà” là cành hoa vải đơn sơ, giá chỉ mấy ngàn đồng. Vậy mà niềm vui cứ đong đầy trong lòng cô!

Như bao nơi khác, dịch bệnh COVID-19 xé toang khoảng cách giữa người thầy và học sinh, ngăn bước chân các em đến trường trong thời gian dài. Qua màn hình dạy học trực tuyến khi nét khi mờ, cô Dân cố gắng nhớ mặt, đặc điểm tính cách, năng lực tiếp thu của từng đứa, chờ ngày gặp nhau để chính thức gắn kết tình cảm thầy trò.

"Chưa biết khi nào trở lại cách thức học tập cũ để chúng tôi trực tiếp truyền đạt kiến thức cho các em. Đến lúc gặp, chắc phải mất một ít thời gian để giáo viên và học sinh nhận ra nhau. Năm nay, chúng tôi không tham gia hoạt động chào mừng 20-11 nào, dĩ nhiên cảm thấy thiếu vắng trong ngày của mình. Thế nhưng, vẫn có phụ huynh nhiệt tình đến nhà thăm, tặng quà, dù tôi chỉ là giáo viên bộ môn. Như vậy là đủ ấm lòng rồi!” - cô Dân chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP. Long Xuyên) dạy học trực tuyến Ảnh: Thanh Hùng

Cô Lê Thị Ngọc Trinh (giáo viên dạy tiểu học huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cùng tâm trạng như thế. Vốn quen với cảnh học sinh ồn ã vây quanh như bầy chim nhỏ, cô chợt nặng lòng khi giao tiếp với lớp bằng màn hình vô cảm, đơn điệu. Cô nao nao nhớ cảm giác cầm phấn giảng dạy, tận tình chỉ dạy từng nội dung, trước mấy chục đôi mắt đen láy, trong trẻo.

Khi tôi hỏi về ngày nhà giáo, cô Bình bày tỏ: “Đối với giáo viên chúng tôi, hầu như ai cũng mong học sinh của mình tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ, hiệu quả nhất trong quá trình học trực tuyến. Các em khỏe mạnh, hiểu bài, hoàn thành tốt năm học là món quà lớn nhất, ý nghĩa nhất dành cho chúng tôi”.

Năm học này, đã có thầy cô không may nhiễm COVID-19, niềm vui ngày nhà giáo thiếu trọn vẹn. Một giảng viên ngụ TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) được cho cách ly điều trị tại nhà vì không có triệu chứng. Thời gian này, giảng viên vẫn dạy học trực tuyến cho các em theo kế hoạch năm học. Nhiều sinh viên chưa biết tình trạng sức khỏe giảng viên, nên các tiết học diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ngoài tâm trạng của một người thầy nhớ thương bục giảng, bó buộc không gian giáo dục trong phòng kín, giảng viên ấy còn mang nỗi lòng của người bệnh, đơn độc sinh hoạt và điều trị trong thời điểm ngày 20-11 cận kề.

“Tôi không chủ động chia sẻ thông tin mình đang là F0 để tránh tâm lý hoang mang cho các em. Thay vào đó, ngoài những nội dung giảng dạy chuyên môn trong tiết học, tôi dành thời gian chia sẻ cặn kẽ cho các em kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, dặn dò không được chủ quan, tuyệt đối thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Những trải nghiệm của tôi trong quá trình điều trị sẽ được truyền đạt cho sinh viên một cách gián tiếp, với mong muốn duy nhất là góp sức mình vào công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức cho các em. Hy vọng rằng, ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung sẽ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này” - giảng viên này tâm sự. Cách màn hình điện thoại, giọng của giảng viên chất chứa sự lạc quan, mạnh mẽ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, ngày 20-11 năm nay, mọi hoạt động chào mừng tập trung vào động viên, bồi dưỡng niềm tự hào, lòng yêu ngành, yêu nghề; giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên nhận thức sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của nhà trường trong sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, khích lệ toàn ngành cùng nhau khắc phục khó khăn tham gia phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022”.

Tùy theo tình hình thực tế, các đơn vị giáo dục linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, phát động phong trào thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam với các hoạt động phù hợp. Đồng thời, phát động phong trào giáo viên thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học phù hợp với điều kiện chuyển đổi trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, hội thi xây dựng video clip bài giảng, video clip giới thiệu mô hình giảng dạy trực tuyến hay, hiệu quả; phát hiện, giới thiệu nhân rộng điển hình và khen thưởng kịp thời tấm gương giáo viên tận tụy với nghề, tận tâm với học sinh, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Đối với học sinh, học viên, có thể thi vẽ tranh, thiết kế thiệp chúc mừng, viết thư gửi thầy cô giáo, thiết kế Infographic tuyên truyền đảm bảo an toàn trong học tập trực tuyến; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, trường học...

Những cách xa hôm nay là động lực cho ngày gặp lại. Rồi phấn trắng sẽ lại bay bay trên bục giảng, trống trường sẽ vui tươi vang vọng khắp sân trường. Thầy và trò sẽ gặp nhau, với bao xúc cảm, trân quý, đánh dấu tháng ngày “bình thường mới”. Nhất định là thế!

 

GIA KHÁNH