VnSAT giúp nâng chất hoạt động hợp tác xã nông nghiệp

06/01/2023 - 08:12

 - Từ một tổ hợp tác (THT) gặp nhiều khó khăn, Hợp tác xã (HTX) sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập (huyện Tịnh Biên) vươn lên, trở thành điểm sáng trong xây dựng kinh tế hợp tác. Kết quả này có được một phần nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại An Giang.

Máy cấy lúa do Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang giao cho Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tân Lập sử dụng

Vượt khó phát triển

Năm 2017, THT Sản xuất nông nghiệp xã Tân Lập ra đời với 63 thành viên, hoạt động trên cơ sở nông dân cùng hùn vốn, cùng sản xuất. Tuy nhiên, đa phần nông dân có trình độ thấp, sản xuất dựa vào kinh nghiệm, nguồn vốn thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nên quy mô còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao.

THT trực tiếp sản xuất 162,3ha; quản lý, khai thác 4 trạm bơm điện với 12 máy bơm, công suất 30.000m3/giờ; có hệ thống kênh mương tưới, tiêu tương đối hoàn chỉnh nhưng lại thiếu cống thoát nước (sử dụng cống ngầm, khả năng thoát nước kém và cản trở vận chuyển lúa bằng ghe). Trong khi đó, hệ thống giao thông nội đồng phân bố khá đều, nhưng là đường đất, lầy lội, rất khó lưu thông hàng hóa, máy móc, thiết bị vào mùa mưa.

Do là THT, việc tiếp cận nguồn vốn và chính sách gặp nhiều khó khăn. Thiếu vốn sản xuất nên THT chưa mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu cũng như đầu tư thêm dịch vụ mới.

Trong bối cảnh khó khăn, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại An Giang là giải pháp hữu hiệu cho THT Sản xuất nông nghiệp xã Tân Lập. Nhờ được tham gia VnSAT, từ vụ thu đông 2016 đến vụ thu đông 2020, có 577 lượt nông dân của THT được tham gia vào 37 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP, kỹ thuật luân canh cây trồng, nhân giống lúa xác nhận, quy trình thực hiện sản phẩm phụ, kỹ thuật sản xuất lúa theo SRP…

Hiệu quả rõ rệt

Kết quả ban đầu cho thấy, việc nâng cao kiến thức, cập nhật phương pháp sản xuất theo hướng mới giúp thành viên THT Sản xuất nông nghiệp xã Tân Lập cải thiện năng suất, nâng cao đời sống. Trên cơ sở này, Tổ thực hiện dự án VnSAT huyện Tịnh Biên cùng UBND xã Tân Lập và THT mạnh dạn đề xuất triển khai tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho THT (gần 11,6 tỷ đồng). Các công trình đề xuất xây dựng cho THT, gồm: Đường nội đồng cặp kênh 1/5, ấp Tân Định, ấp Định Thành kéo dài đến cầu 13, cống kênh 1/5, cống kênh 12 và cống kênh Định Thành.

Các công trình đã giải quyết khó khăn ban đầu về đi lại, vận chuyển nông sản của THT. Hệ thống giao thông nội đồng sau khi được kiên cố hóa giúp thông thương dễ dàng, giảm chi phí sản xuất (khoảng 100 đồng/kg lúa), nông dân yên tâm sản xuất hơn. Tháng 4/2018, Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh giao 1 máy cấy lúa cho THT Sản xuất nông nghiệp xã Tân Lập, giúp THT mạnh dạn phát triển thêm dịch vụ mới như tỉa hạt, kéo hàng.

Phát huy hiệu quả hỗ trợ, năm 2020, THT nâng lên thành HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập (HTX Tân Lập) với 19 thành viên, vốn điều lệ 1,4 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tân Lập Trần Văn Xuân cho biết, cùng với trực tiếp canh tác lúa, HTX còn thực hiện dịch vụ máy cấy, máy tỉa hạt theo khóm; cung ứng giống lúa, ngâm ủ giống lúa, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản xuất gạo an toàn.

Từ khi thành lập, HTX Tân Lập hoạt động khá hiệu quả ở khâu liên kết tiêu thụ. HTX chủ động hợp tác với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia… ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa 870ha (năm 2019), 2.093ha (năm 2020), 3.000ha (năm 2021)…

“Thành công mà dự án VnSAT đem lại là tuyên truyền, tập huấn các biện pháp canh tác tiên tiến, đào tạo nông dân sản xuất giỏi, cập nhật biện pháp mới, giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp tạo tiền đề cho các tổ chức nông dân như THT phát triển, từ đó nâng lên thành HTX để hoạt động hiệu quả và bền vững hơn” - ông Trần Văn Xuân nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN