Xã Tây Phú nỗ lực về đích nông thôn mới

17/05/2018 - 07:01

 - Là 1 trong 5 địa phương được chọn xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2018, xã Tây Phú (Thoại Sơn, An Giang) đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, đến nay đã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu.

Địa phương không ngừng đề cao vai trò làm chủ của người dân cũng như huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa. Nếu như trước đây, đường dẫn vào xã chưa được nhựa hóa hay những cây cầu bắc qua sông vẫn còn “lắc lẻo, gập ghềnh”, nay đã được thay thế bằng những nhịp cầu bê-tông chắc chắn.

Trong đó có sự đóng góp không nhỏ sức người, sức của của người dân. Từ nói để dân hiểu, đến làm cho dân tin và phấn đấu ngày càng tốt hơn để người dân đồng thuận là nỗ lực không nhỏ ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú Phan Ngọc Quí cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi đề cao vai trò của Nhân dân và xem đó là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trên tất cả các mặt. Từ lĩnh vực an ninh trật tự đến kinh tế, văn hóa, xã hội, khi chính quyền địa phương cần sự hỗ trợ là bà con nhiệt tình ủng hộ, đóng góp công sức, của cải vật chất để công trình sớm hoàn thành. Năm 2017, địa phương đã vận động được nguồn xã hội hóa xây dựng NTM đạt trên 6 tỷ đồng.

Để có được kết quả ấy, địa phương xác định công tác tuyên truyền là quan trọng nhất và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt giúp người dân hiểu rõ về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời để tạo được sự tin tưởng của người dân, trước khi bắt tay thực hiện vấn đề gì, chúng tôi đều tổ chức các buổi họp dân, xây dựng kế hoạch cụ thể và giải trình thỏa đáng những thắc mắc mà người dân đặt ra. Khi lòng dân đã thuận thì mọi việc đều trôi chảy và thành công”.

Xã Tây Phú nỗ lực về đích nông thôn mới

Cơ sở hạ tầng xã Tây Phú ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu người dân về nhiều mặt

Đầu năm 2018 đến nay, xã Tây Phú tập trung sửa chữa Trường Tiểu học Tây Phú (điểm 2), xây dựng mới Trường THCS Tây Phú (nguồn vốn là 20 tỷ đồng).

Ngoài ra, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông Tây Mướp Văn - cảng Dừa (đoạn từ cầu Tây Bình đến kênh ranh làng ở 2 ấp Phú Lợi và Phú Hùng). Đoạn đường dài 5,8km với tổng vốn đầu tư xây dựng trên 10,4 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế của người dân, chính quyền địa phương khuyến khích bà con sản xuất những giống lúa chất lượng cao và chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cây ăn trái có múi, hoa màu, dưa leo, nấm bào ngư, nấm rơm, thanh long ruột đỏ...

Đối với những lao động nhàn rỗi, đặc biệt là phụ nữ, địa phương thường xuyên tổ chức những lớp dạy nghề và bao tiêu đầu ra, giới thiệu việc làm, giúp họ cải thiện thu nhập. Cùng với đó là công tác chăm lo nhà ở cho hộ nghèo được địa phương quan tâm, năm 2017, xã Tây Phú đã phối hợp cất mới 32 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí khoảng 825 triệu đồng.

Với vai trò là Chi hội trưởng chi hội Nông dân ấp Phú Thuận, ông Trần Hùng Cường (sinh năm 1969) đã tận dụng diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái kiếm thêm thu nhập, ngoài ra ông Cường còn thường xuyên vận động các hội viên tham gia đóng góp, xây dựng NTM.

“Trên 500m2 đất sản xuất lúa kém hiệu quả, sau khi tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn trái ở địa phương, tôi quyết định trồng cây mãng cầu ta. Đây là cây trồng không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm thu hoạch 1 lần vào đúng dịp Tết để bán có giá cao. Thương lái mua tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi kiếm thêm thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Hiện, tôi đang mở rộng diện tích trồng mãng cầu lên khoảng 1.000m2” - ông Cường phấn khởi chia sẻ về những thành công của mình.

Đứng trước sự đổi thay của bộ mặt nông thôn Tây Phú, ông Nguyễn Văn Tâm không giấu được niềm vui. Nhớ lại nhiều năm trước, ông Tâm từ tốn kể lại với chúng tôi: “Từ đường sá, trường học đến cầu, cống hầu như đã xuống cấp, không được khang trang và đẹp như bây giờ. Ngày đó, mỗi lần đi học, gặp trời mưa là ông bà, cha mẹ rầu lo vì cầu thì trơn trượt, đường lầy lội. Bây giờ, đường quê chẳng những được mở rộng khang trang, mà còn được tráng nhựa sạch đẹp, trường học được cất mới, bà con ai nấy đều rất vui”.

Trong quá trình xây dựng NTM, đối với những tiêu chí không cần vốn tuy dễ thực hiện nhưng rất khó duy trì, nên xã Tây Phú xác định không được chủ quan. “Với tiêu chí môi trường, ngoài vận động, tuyên truyền giúp bà con giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, chúng tôi khuyến khích người dân trồng cây xanh trước nhà, phát quang bụi rậm. Trong đó, khó nhất vẫn là vấn đề bảo hiểm y tế toàn dân.

Hiện nay, địa phương đã thành lập Ban vận động bảo hiểm y tế để tiến hành rà soát, thống kê chuẩn xác nhất. Đối với những người chưa tham gia, chúng tôi sẽ xuống từng nhà vận động, thuyết phục bà con mua bảo hiểm y tế.

Những ai đã đóng rồi, chúng tôi sẽ ghi danh sách để lưu lại và nhắc họ mua khi đã hết hạn. Bằng sự nỗ lực chung, hy vọng niềm vui được công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM sẽ đến với Tây Phú vào một ngày không xa” - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú Phan Ngọc Quí chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN