Xa xứ thời COVID

25/11/2021 - 05:49

 - Chấp nhận cuộc sống ly hương để tìm kế mưu sinh, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Đông và TP. Hồ Chí Minh. Sau những ngày tháng khó khăn đó, họ trở lại với công việc để viết tiếp ước mơ cho ngày trở về tươi sáng hơn.

Người lao động xa quê chỉ mong có được việc làm ổn định sau thời COVID

Vất vả trong thời COVID-19

Nhận được cuộc gọi của người bạn cũ qua mạng xã hội Zalo, tôi có chút bất ngờ bởi rất lâu rồi, có thể đã 4-5 năm, chúng tôi chưa gặp lại nhau. Người bạn học thời phổ thông của tôi giờ đã rắn rỏi, già dặn sau những tháng ngày mưu sinh ở xứ người. Nhìn “nó”, tôi giật mình và cảm thấy mừng! Bởi lẽ, sau những ngày dịch bệnh COVID-19 quét qua các tỉnh miền Đông và TP. Hồ Chí Minh, được gặp lại người quen cũ ngoài đó cũng là điều may mắn!

Phạm Văn Mộng Em, người bạn học đã gắn bó với tôi suốt những năm cấp 2, giờ đã trở thành trụ cột của gia đình với 2 đứa con nhỏ ở quê. Bạn vẫn hiền như ngày trước! Khi tôi hỏi cuộc sống hiện tại thế nào, Mộng Em chia sẻ: “Suốt mấy tháng dịch bệnh phức tạp ngoài này, cuộc sống vất vả lắm! Ra đường không được, công việc không còn, tiền nhà trọ vẫn phải đóng đều đặn nên nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn. Gia đình tui may mắn tích lũy được một ít, nên bữa cơm còn có mớ rau, quả trứng mà ăn. Có những người chẳng còn một xu dính túi, nhìn thấy tội lắm!”.

Người bạn cũ cho biết, nhờ chủ nhà trọ thương, giảm tiền thuê phòng hàng tháng nên cũng bớt khổ. Với lại, cứ 3-4 ngày thì có người của đoàn từ thiện hoặc chính quyền địa phương đem thực phẩm phát miễn phí nên cũng đỡ lo. Nơi bạn tôi ở là TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương) vốn có rất đông đồng hương An Giang lên lập nghiệp, nên giúp đỡ nhau được ít nhiều.

“Người được giúp đỡ còn trụ được, chỉ thương những hoàn cảnh mà tấm lòng từ thiện không thể tới thì vất vả vô cùng. Tôi có mấy người bạn xa quê cũng gọi điện thoại hỏi thăm nhau, thấy họ khổ tới mức mì gói không có ăn nhưng mình lại không giúp được. Khi đó, dịch bệnh phức tạp lại đang giãn cách xã hội nên đâu có ra ngoài được. Muốn gửi cho họ ít tiền cũng không biết làm sao, vì có những vùng dịch bệnh tràn lan nên người dân được yêu cầu ở yên trong nhà tránh dịch. Nhớ lại thời điểm đó mà thấy tội cho họ, rồi nhìn lại thì mình có khác gì đâu” - Phạm Văn Mộng Em chia sẻ.

Thời điểm dịch COVID-19 chưa phức tạp, Mộng Em đi làm công nhân bốc xếp với đồng lương hơn 7 triệu đồng mỗi tháng. Vợ anh là công nhân may, thu nhập nhỉnh hơn đôi chút. Vợ chồng tích cóp mỗi tháng gửi về cho 2 đứa con ở quê 4 triệu đồng, số còn lại dùng để sinh hoạt hàng tháng và dành dụm cho căn nhà mơ ước sau này. Dịch bệnh kéo tới làm mọi thứ khó khăn hơn, nhưng may mắn là vợ chồng họ vẫn bình an để có thể tiếp tục mưu sinh nơi đất khách.

Trở lại mưu sinh

Sau 3 tháng nằm nhà tránh dịch, Mộng Em lại bắt đầu cuộc mưu sinh. Anh làm công nhân bốc xếp với niềm hy vọng mọi thứ rồi sẽ ổn. “Vợ chồng tôi tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 rồi nên đỡ lo. Bây giờ, đi làm lại nhưng vẫn đảm bảo “5K”, bởi mình vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Thời điểm người ta rủ nhau về quê, trong lòng mình nôn nao lắm! Bởi trải qua thời điểm khó khăn cùng cực, ai cũng muốn quay về nhà của mình. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy về lúc này chưa chắc tốt cho người thân. Rồi cuộc sống, công việc ở quê liệu có được như trên này. Lúc dịch bệnh phức tạp, đời sống khó khăn mình còn trụ được, giờ tình hình đỡ hơn thì phải ráng làm kiếm tiền!” - Mộng Em thật tình.

Sống trong cảnh khổ với những người hồi hương, Mộng Em rất thông cảm với họ. Anh mong người ở quê hãy thông cảm khi dân lao động ngoài tỉnh quay về trong thời gian qua. Bởi lẽ, họ đã quá giới hạn chịu đựng và không còn cách nào khác. “Ở quê, không có tiền thì hái mớ rau, bắt con cá dưới mương cũng có cái mà ăn. Ở trên này, trăm thứ đều phải lấy tiền để mua, nên khi “cháy túi” thì khổ lắm! Bởi vậy, lúc các tỉnh miền Tây mở cửa đón tiếp chu đáo bà con về quê, ai cũng xúc động...” - Mộng Em trần tình.

Thời điểm này, anh Nguyễn Thành Kiệt (quê xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) vẫn đang tiếp tục với cuộc sống xứ người sau giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi ở quê, vợ chồng anh phải cố gắng nén nỗi nhớ để tiếp tục công việc nơi đất khách. Nghe tình hình dưới quê dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, anh khá lo lắng nhưng biết người thân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên cũng an tâm. “Tôi quyết định trụ lại Bình Dương là muốn hạn chế nguy cơ cho người thân ở quê và tiếp tục có việc làm. Hiện tại, công ty đã gọi đi làm nên tôi yên tâm lắm. Sau đợt dịch này, tôi mới thấy quý sức khỏe và sự bình an của bản thân và gia đình. Giờ mình còn trẻ, còn khỏe thì ráng làm để tích lũy rồi trở về quê sinh sống. Từ giờ đến Tết chẳng còn lâu nữa, mình ráng kiếm thêm để năm nay đón xuân vui vẻ, đầy đủ hơn trong thời dịch bệnh” - anh Kiệt thật lòng.

Có lẽ, những người lao động xa quê cố bám trụ lại với công việc như anh Mộng Em, anh Kiệt không phải là hiếm. Với họ, niềm vui lúc này chính là có được thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình. Và có lẽ, ký ức về “thời COVID” xa quê sẽ mãi tồn tại trong suy nghĩ, để họ nỗ lực phấn đấu vì cuộc mưu sinh sau những tháng ngày tránh dịch ở đất khách quê người.

THANH TIẾN