Xây dựng và quản lý mã số vùng trồng nông sản

12/11/2023 - 08:43

Nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các đối tác quốc tế. Nguyên nhân một phần là nhờ công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được triển khai rộng khắp trên cả nước, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản của nhiều thị trường. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, cần sớm khắc phục để nâng cao uy tín cho nông sản Việt.


Đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu và hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, từ đó tạo ra lực đẩy lớn, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước.

Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng. Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tăng mã số, tăng lợi ích

Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển cho biết: Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Toàn tỉnh hiện có 51.798 ha cây ăn quả các loại, trong đó sầu riêng là cây trồng chủ lực với diện tích 22.458 ha.

Tính đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 75 mã số vùng trồng trên các loại cây như: chuối, sầu riêng, xoài, vải, ớt và 26 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu. Trong đó có 49 mã số vùng trồng sầu riêng với khoảng 2.315 ha, sản lượng đạt khoảng 45.200 tấn và 17 cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, tỉnh đã thiết lập 138 hồ sơ về cấp mã số vùng trồng, trong đó có 133 hồ sơ mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.892 ha và 9 cơ sở đóng gói sầu riêng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo Cục Bảo vệ thực vật để tổng hợp, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian qua, hợp tác xã đã tích cực vận động các xã viên thiết lập mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng. Đến nay, hợp tác xã được cấp 4 mã số vùng trồng với diện tích 49,2 ha. Việc thiết lập mã số vùng trồng giúp nông dân tuân thủ các quy định về chăm sóc vườn cây, thu hoạch, đồng thời việc tiêu thụ sầu riêng được thuận lợi và giá trị sầu riêng xuất khẩu cũng cao hơn so với trước đây.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến thông tin: Trên địa bàn huyện hiện có gần 4.000 ha sầu riêng, trong đó có 2.600 ha cho thu hoạch, với sản lượng bình quân hằng năm đạt 40-50 nghìn tấn. Hiện trên địa bàn huyện có 34 mã số vùng trồng với diện tích 1.883 ha và 9 mã số cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số.

Việc thiết lập mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu mà còn góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng trách nhiệm hơn… Qua đó, nâng cao giá trị hàng hóa, đưa nông sản của địa phương xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới.

Tại Đồng Tháp, ông Trần Thanh Tâm-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.117 vùng trồng, diện tích 96.405 ha được cấp mã số phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Có 21 cơ sở đóng gói đăng ký cấp mã số, trong đó có 12 cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số, tập trung ở các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, thành phố Cao Lãnh với các sản phẩm chủ yếu là: sầu riêng, ớt, khoai lang, xoài, mít, chuối,... xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia.

Ngoài ra, có 2 cơ sở đóng gói đã được kiểm tra trực tuyến và 7 cơ sở đóng gói chờ thông báo, hướng dẫn từ Cục Bảo vệ thực vật. Tại huyện Châu Thành, các vùng trồng cấp mã số đã được liên kết tiêu thụ như: vùng trồng sầu riêng được Công ty TNHH Westernfarm liên kết thu mua với giá thỏa thuận, vùng trồng khoai lang của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hòa An đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty xuất nhập khẩu Âu Á. Cơ sở đóng gói được cấp mã số sẽ thu mua nông sản tại vùng trồng theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, giá thỏa thuận và theo thời điểm thị trường.

Quyết tâm từ các phía

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...

Về hoạt động thực tiễn, ông Nguyễn Quang Hiếu-Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Từ năm 2020 đến 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức được 52 lớp tập huấn hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu cho các sản phẩm trái cây, rau màu, lúa... cho 4.773 lượt học viên.

Năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 15 lớp tập huấn và 2 hội nghị liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tính đến hết tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 8 lớp tập huấn và 1 hội nghị với sự tham dự của 657 lượt người. Các hiệp hội ngành hàng cũng chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để hỗ trợ, tập huấn cho hội viên về vấn đề mã số.

Chính quyền địa phương quan tâm và bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đến nay có 23/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn lực để giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, người sản xuất cũng ngày càng quan tâm hơn đến mã số vùng trồng; tự nguyện đăng ký tham gia các vùng trồng; tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển, thời gian qua, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, sau khi được phân cấp, các địa phương đã chủ động hơn trong công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, do đó công tác thiết lập hồ sơ vùng trồng được triển khai nhanh, vùng trồng cấp mã số được nhiều hơn và đa dạng hơn về chủng loại cây trồng được cấp mã.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2023, các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu đều có tài khoản và mật khẩu sử dụng phần mềm quản lý vùng trồng (FARM-DIARY). Trước đó, cuối năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật triển khai thử nghiệm đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng và chuối, tuy nhiên có rất ít vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện. Đến tháng 8/2023, có 23 tỉnh đã thực hiện. Có 125 vùng trồng tại 23 tỉnh đã sử dụng FARM-DIARY thay thế việc ghi chép bằng tay. Các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Đắk Nông, Lâm Đồng là các tỉnh có các vùng trồng nhập liệu đầy đủ.

 

Theo ÁNH TUYẾT, CÔNG LÝ VÀ HỮU NGHĨA (Nhân dân)