Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, diễn biến phiên tòa xét xử ngày 10-1-2017 vag 8-11-2017, nhận thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, Tòa án nhân dân tỉnh 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên cáo trạng đã truy tố. Hội đồng xét xử chỉ xét xử những hành vi bị truy tố, còn những vấn đề chưa làm rõ sẽ tiếp tục kiến nghị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an điều tra, xử lý khi có đầy đủ căn cứ.
Điểm đáng chú ý nhất là nhiều bị cáo cho rằng, trong quá trình điều tra bị điều tra viên mớm cung, ép cung..., nên cảm thấy bị oan sai. Các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn thu nộp ngân sách nhà nước” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (trừ bị cáo Bùi Thị Bích Thảo) đều lập luận và đưa ra các tình tiết cho rằng các bị cáo bị oan.
Trong quá trình xét hỏi công khai và tranh luận tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra những quan điểm, chứng cứ phản bác ý kiến các bị cáo và lập luận của các luật sư. Sau khi xem xét toàn diện lời khai của bị cáo, đối chiếu với các chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra, lời khai của những người liên quan, người làm chứng khác, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm tranh luận của kiểm sát viên. Ngoài lời khai của các bị cáo, không còn tài liệu, chứng cứ nào khác thể hiện trong hồ sơ vụ án chứng minh điều tra viên ép cung, dụ cung các bị cáo.
Tất cả các biên bản lấy lời khai, hỏi cung đều ghi rõ nội dung “Bị cáo đã được đọc lại, xác nhận đúng lời khai trong quá trình hỏi cung”; đồng thời các bị cáo tự viết bản tự khai, trình bày hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, trong quá trình điều tra, có nhiều bị cáo khai nhận một phần hành vi phạm tội như kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa; một số khai nhận thống nhất với kết quả điều tra, nên không thể cho rằng có sự ép cung, mớm cung hoặc định hướng lời khai, không có căn cứ xem xét ý kiến của các bị cáo về vấn đề này.
Các hành vi quyết định tố tụng của Cơ quan An ninh Điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định. Do vậy, Hội đồng xét xử vẫn căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, cũng như lời khai của một phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ khác làm cơ sở để giải quyết vụ án.
Suốt những ngày phiên tòa diễn ra, các bị cáo ăn mặc rất lịch sự, chỉn chu như trang phục đi làm việc. Thế nhưng, hễ thấy ống kính phóng viên là họ lại cúi đầu thật thấp để tránh né. Hối hận, băn khoăn, lo lắng, xấu hổ, buồn đau, mệt mỏi…, đủ mọi cung bậc cảm xúc trên gương mặt họ. Nhiều trường hợp được xem xét giảm nhẹ hình phạt do có người thân là liệt sĩ, có công với cách mạng, bản thân được nhiều thành tích cao trong quá trình công tác, hoặc có con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, lao động chính trong gia đình, thành khẩn khắc phục hậu quả. Những tình tiết ấy tuy giúp họ giảm nhẹ một phần hình phạt, nhưng lại làm lương tâm họ thêm nặng trĩu. Có bản án nào khắc nghiệt hơn sự ray rứt, khổ sở trong lòng?
Sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Tân Thành Lợi – TTL) 16 năm tù; Nguyễn Dân An (nguyên Phó Giám đốc Công ty Danh Quốc) 12 năm tù; Lê Thị Kim Anh (nguyên Giám đốc Công ty Tân Lợi Kim), Mai Chí Dũng (nguyên nhân viên Công ty TTL), Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TTL) cùng 7 năm tù; Nguyễn Minh Hiếu (kế toán Công ty TTL) 25 năm tù (tổng hợp 2 bản án) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, còn tuyên án 20 bị cáo khác ở các tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn thu nộp ngân sách Nhà nước”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, mức án từ 1-3 năm tù giam, cho hưởng án treo hoặc bằng thời hạn tạm giam. Riêng Lương Huỳnh Long (nguyên Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Chợ Mới) được miễn trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Phạm Thanh Dũng có trách nhiệm bồi thường hơn 35 tỷ đồng cho nguyên đơn dân sự Tổng cục thuế. Các bị cáo thuộc nhóm tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Mua bán trái phép hóa đơn thu nộp ngân sách Nhà nước” nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Về hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo thuộc nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đảm nhận các chức vụ trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế thời hạn 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.
Qua phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Đai diễn ra sai phạm suốt thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong một số vụ án, nên đề nghị lãnh đạo Cục Hải quan có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các chi cục hải quan thuộc quản lý của mình, để tránh tình trạng sai phạm tương tự xảy ra trong thời gian tới.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG