Chủ hụi bỏ trốn, nhiều hụi viên khốn đốn

02/04/2019 - 07:34

 - Chủ hụi nói “bể hụi”, rồi đóng cửa nhà đi vắng nhiều ngày khiến ít nhất 40 hụi viên ở 2 ấp Vĩnh Thuận và Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh (Châu Thành)… phải truy tìm. Không gặp được, họ làm đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nơi, yêu cầu xử lý hình sự đối với vợ chồng người chủ hụi về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, bà Nguyễn Thị Út (sinh năm 1970), Trần Thị Kim Dung (sinh năm 1986, cùng ngụ tổ 14, ấp Vĩnh Thuận), Cao Thị Bích Vân (sinh năm 1974, tổ 8), Nguyễn Thị Mỹ Nương (sinh năm 1970, tổ 15, cùng ấp Vĩnh Phúc) đại diện hụi viên trình bày: “Do là chỗ hàng xóm, quen biết vợ chồng bà Nguyễn Thị Thủy (45 tuổi), Trần Văn Sáng (47 tuổi, ngụ tổ 14, ấp Vĩnh Thuận, xã Vinh Hanh), chúng tôi tham gia nhiều dây hụi. Bà Thủy có "thâm niên" làm chủ các đầu hụi, gồm: hụi ngày, nửa tháng, hụi tháng, nửa năm, thậm chí cả năm. Trước đây, vợ chồng bà làm ăn đàng hoàng, tạo được “uy tín” đối với các hụi viên, không chỉ ở địa phương. Với mức lãi chấp nhận được, còn việc giao tiền cho người vừa hốt dù có trễ, nhưng việc bể hụi gần như không xảy ra từ nhiều năm nên thương hiệu “Mười Thủy” hầu như ai cũng biết. Lúc đầu, việc chơi hụi âm thầm ở 2 ấp Vĩnh Thuận, Vĩnh Phúc, sau đó lan rộng đến xã Vĩnh An, Vĩnh Bình, Cần Đăng, Bình Hòa…”.

Các nạn nhân trình bày sự việc

Bà Mai Thị Phương Mai (sinh năm 1959, tổ 6, ấp Cần Thới, xã Cần Đăng), Đặng Thị Phượng (sinh năm 1970, tổ 22, ấp Phú An 1, xã Bình Hòa, Châu Thành) cho biết: “Qua “giới thiệu” của chị Út, Nương, Hiền, Gúi lân cận nhà bà “Mười Thủy”, là chỗ thân quen nên chúng tôi tin tưởng, tham gia các đầu hụi để kiếm lời. Lúc đầu, chủ hụi làm ăn sòng phẳng, nên số người chơi ngày một nhiều. Đến giữa tháng 9-2018, một số người được hốt bị chủ hụi tìm cách hẹn. Sau đó, vợ chồng bà không cho khui đối với các dây hụi còn lại, đồng thời phao tin nói bể hụi, tìm cách né mặt không cho gặp. Trong thời gian này, họ tẩu tán tài sản, mua đất, tài sản cho người thân đứng tên. Bị các hụi viên truy tìm hỏi, chủ hụi đóng cửa nhà, các số máy không liên lạc được. Hiện nay, các dây hụi đã “bị khóa”, số nạn nhân chỉ biết là rất nhiều, còn số tiền bao nhiêu chưa nắm được. Riêng dây hụi với 14 người chưa hốt của chúng tôi đã bị vợ chồng “Mười Thủy” nói bể hụi, nhưng họ tự hốt với số tiền gần 500 triệu đồng”. Bà Trần Thị M. (một nạn nhân giấu tên) cho biết: “Ở đây ai cũng biết bà “Mười Thủy” chơi hụi như một nghề. Lúc đầu làm ăn đàng hoàng, gần đây bà tự hốt dây hụi của hụi viên để bán lại cho người khác, rồi nói hụi viên đã hốt. Đây thực chất là hụi khống, hụi ma. Khi bị phát hiện, chối cãi không được bà nói người chơi đã hốt xong mà không chịu đóng hụi. Bà ôm tiền mua đất ở ngoài xã, bên nhà chồng ở Chợ Mới. Các dây hụi ở đây đủ loại từ 200.000 đồng, 1 triệu đồng, 2 triệu đồng, đến 5 triệu đồng/đầu… Ngoài một số người có tiền dư chút đỉnh, phần lớn làm mướn, nhà nghèo khó, dành dụm tiền nuôi hụi để hốt chót kiếm chút lời. Tôi chơi nhiều đầu hụi, tất cả chờ hốt chót, bây giờ bể hụi tiền mất đến hàng trăm triệu đồng. Tôi và bà con ở đây khiếu nại đến Ban Nhân dân ấp, khởi kiện đếnTòa án nhân dân, bà hứa sẽ trả, rồi sau đó bỏ trốn. Chúng tôi đề nghị pháp luật vào cuộc xử lý nghiêm vì bà lợi dụng sự tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là số tiền của nhóm tôi, còn số khác được biết đến nhiều tỷ đồng, bà con đang nhốn nháo. Hiện nay, nhiều hộ bị giật hụi không đòi được, phải đi xa  tìm kế mưu sinh”.

 Nói về vụ việc, đại diện Ban Nhân dân ấp Vĩnh Thuận và Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hanh) cho biết. “Việc chơi hụi ở đây xảy ra âm thầm, giấu kín, chính quyền địa phương khuyến cáo không tham gia hoạt động dễ mất tiền này, nhưng bà con vẫn lao vào. Việc này không chỉ ở 2 ấp mà lan rộng nhiều nơi khác, số nạn nhân và số tiền nhiều tỷ đồng. Trước đó, chúng tôi có mời chủ hụi và các hụi viên đến trụ sở hòa giải, thỏa thuận cách trả tiền cho người chưa hốt và cách xử lý vụ việc. Do 2 bên không thống nhất nên chúng tôi hướng dẫn họ khởi kiện đến Tòa án nhân dân địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Chúng tôi cập nhật về số người bị hại, số tiền chưa hốt, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Hiện gia đình bà Thủy đóng cửa, đương sự đi khỏi địa phương ”.

Luật sư Trần Ngọc Phước, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: “Theo Luật Dân sự hiện hành, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau, cùng định ra số người, số tiền, thời gian, thể thức góp, lãnh, hốt hụi, quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác. Nghị định của Chính phủ (chuẩn bị có hiệu lực) quy định người chơi hụi phải báo cho địa phương bằng văn bản sẽ có tác động góp phần hiệu quả trong kiềm chế nạn hụi. Đối với trường hợp bà “Mười Thủy” với các hụi viên, nếu không tìm được tiếng nói chung, cần khởi kiện ra tòa án để xem xét, phán quyết theo quy định”. 

Bài, ảnh:  N.R