Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

25/06/2018 - 08:15

 - Từ cánh đồng lúa kém hiệu quả, lợi nhuận không cao, nhiều nông dân (ND) mạnh dạn chuyển sang làm vườn, tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất (SX), góp phần tăng giá trị trên cùng diện tích đất. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho ND.

Huyện Chợ Mới thành công với mô hình trồng cây ăn trái với diện tích trên 6.000ha. Trong đó diện tích xoài chiếm 82,8%, có 127,3ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xoài thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng 20 tấn/ha; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và thị trường nội địa. Đến nay, xã Mỹ Hiệp có 1.627ha (chiếm 100% diện tích) chuyển đổi cơ cấu sang trồng vườn. Đã thành lập Hợp tác xã trái cây GAP, 57,43ha được cấp giấy chứng nhận xoài VietGAP cho 61 hộ dân, với sản lượng 1.450 tấn/năm… góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập bình quân hộ gia đình đạt 38,9 triệu đồng/người/năm.

Tại xã Bình Phước Xuân, ND Huỳnh Văn Tèo Anh (ấp Bình Trung) trở thành ND SX - kinh doanh giỏi nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào diện tích đất của mình. Từ 7 công đất lúa, anh chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc. Anh Tèo Anh cho biết: “Loại này có giá cao nhưng khó lấy trái và năng suất không cao, chuyển sang trồng xoài 3 màu với hình thức ghép bo”. Trung bình 1 năm thu hoạch xoài 2 lần, với 7 công xoài thu hoạch được 21 tấn xoài trái, giá bán dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg (tùy thời điểm), sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu được hơn 100 triệu đồng. Cách đây 4 năm, anh Tèo Anh chuyển đổi 3 công xoài sang trồng ổi lê Đài Loan. Mỗi tuần hái trái 1 lần được từ 700 - 800kg, với giá bán trung bình 3.000 - 4.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi nhuận hàng tháng 3 - 4 triệu đồng.

 Ngoài mô hình trồng xoài, thời gian qua, huyện Chợ Mới xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như mô hình trồng chanh ở Long Kiến đạt lợi nhuận từ 320 - 340 triệu đồng/ha. ND Huỳnh Ngọc Đức (ấp Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Luông) cho biết: “Với 400 gốc mít thái siêu sớm, mỗi cây bình quân thu hoạch từ 30 - 40kg, giá bán dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, có lúc còn 10.000 đồng/kg”. Sau 2 năm trồng, mít cho trái với năng suất có thể lên đến 40 tấn/ha, mỗi tháng thu nhập cả chục triệu đồng. Chợ Mới còn là vùng trồng rau màu đứng đầu của tỉnh với 30.000ha mỗi năm và cây màu cho giá trị SX bình quân đạt 392,27 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình như: trồng mồng tơi lấy hạt (xã Long Kiến) lợi nhuận hơn 230 triệu đồng/ha; trồng dưa hấu nụ (xã Long Kiến) lợi nhuận 80 triệu đồng/ha; trồng hành lá (xã Kiến An) lợi nhuận 72,5 triệu đồng/ha…

ND vùng Kiến An thành công với mô hình trồng hành, hẹ, gừng, các loại rau ăn lá. Bà Nguyễn Thị Linh (ấp Kiến Bình 1) trồng 2 công ngò gai dưới tán còng cho hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bà Linh cho biết: “Đặc tính loại cây ngò gai chịu mát, nên tôi trồng hơn 1.000 cây còng vào 2 công đất rẫy, bên dưới sạ ngò gai. Loại này hái xong rồi chăm sóc lại cho thu hoạch tiếp tới 6 tháng. Cây còng không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngò gai mà còn rất thích hợp với đặc tính chịu bóng mát của cây ngò. Nhờ đó, giảm được công chăm sóc, lượng nước tưới, thuốc trừ sâu và năng suất khá”. Với giá bán 6.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi vụ thu hoạch lãi khoảng 20 triệu đồng. Không chỉ bán ngò, cây còng sau 1 năm trồng thương lái đến tận nơi thu mua còn bán được giá 60.000 - 70.000 đồng/cây.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ND thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây hoa màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích đa dạng các chủng loại cây trồng, SX theo nhu cầu thị trường và liên kết để có đầu ra ổn định.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU