Nhiều quy định mới, bổ sung trong quản lý, sử dụng và phát triển cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ

26/07/2019 - 07:29

 - Ngày 19-7-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND quy định quản lý, sử dụng và phát triển cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ sau đầu tư trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2019). Thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 30-9-2014 nên quy định mới có nhiều điều thay đổi, bổ sung.

Nhiều quy định mới, bổ sung trong quản lý, sử dụng và phát triển cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ

Quy định mới bổ sung Điều 3 (giải thích từ ngữ); Điều 5 quy định về bố trí các điểm hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD): UBND cấp huyện xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch để bố trí các điểm hoạt động, SXKD phù hợp với tập quán sinh hoạt, việc đi lại, làm ăn sinh sống của người dân nhằm tạo việc làm cho người dân sinh sống trên cụm, tuyến dân cư. Tiêu chí tối thiểu để xây dựng nhà ở trong cụm, tuyến dân cư, quy định rõ: đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” theo quy định của Bộ Xây dựng, thay cho quy định “vật liệu sử dụng cho khung nhà phải là loại vật liệu khó cháy (cột bê-tông, kèo thép, mái tole, vách tole hoặc xây gạch)”.

Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú trên cụm, tuyến dân cư thuộc đối tượng ưu tiên được UBND cấp huyện xét duyệt cho mua nền nhà và nhà ở trả chậm theo quy định trên cụm, tuyến dân cư được miễn cấp phép xây dựng nhà ở lần đầu, nhưng khi thực hiện xây dựng nhà ở phải thông báo cho UBND cấp xã (quản lý địa bàn, nơi có cụm, tuyến dân cư) để quản lý về công tác xây dựng đảm bảo đúng lộ giới, chỉ giới xây dựng được duyệt. Sau thời gian cư trú ổn định, nếu có nhu cầu cải tạo, xây mới phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Riêng các cơ sở hoạt động, SXKD (được phép hoạt động trên cụm, tuyến dân cư theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1 của Quyết định số 714/QĐ-TTg) khi xây dựng các cơ sở hoạt động, SXKD phải thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục, quy định có liên quan về hoạt động SXKD hiện hành.

Trong thời hạn 10 năm, hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ mua nền nhà và nợ vay xây dựng nhà ở thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng bị hạn chế một số quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất, bảo lãnh, góp vốn. Đồng thời, bổ sung ghi chú về việc chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ mua nền nhà và nợ vay xây dựng nhà ở trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngoài ra, UBND tỉnh bổ sung quy định: “Nghiêm cấm các trường hợp cho thuê mướn nền nhà và nhà ở trên cụm, tuyến dân cư, nếu vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Điều 12 (Quản lý nhà ở, đất ở trong khu vực nền giá linh hoạt) bổ sung quy định đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua nền nhà giá linh hoạt hoặc sang nhượng nền nhà và nhà ở hợp pháp trên cụm, tuyến dân cư: sau khi thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 24 tháng (thay vì “không quá 12 tháng” như quy định cũ) kể từ ngày mua nền nhà và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, tổ chức, cá nhân phải tiến hành xây dựng nhà ở (hoặc công trình xây dựng), việc xây dựng phải tuân thủ trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị được quy định rõ, đầy đủ hơn trước. Điển hình đối với UBND cấp huyện, bổ sung các trách nhiệm: chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp, kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ mua nền nhà và nợ vay xây dựng nhà ở để làm cơ sở cấp và ghi chú trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hàng năm cân đối bố trí từ ngân sách của huyện chi cho hoạt động bảo vệ môi trường, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật trong cụm, tuyến dân cư. Chỉ đạo các ngành liên quan và UBND cấp xã nơi có cụm, tuyến dân cư phối hợp, thường xuyên kiểm tra công tác xây dựng nhà ở và công tác quản lý nền trống trong cụm, tuyến dân cư để ngăn chặn tình trạng xây dựng vi phạm, lấn chiếm hành lang lộ giới, chỉ giới xây dựng; kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, nhất là nhà ở xây dựng lấn chiếm, che lấp hệ thống thoát nước của cụm, tuyến dân cư. Tăng cường công tác quản lý tốt các nền còn trống, tránh tình trạng bao chiếm. Tổ chức công tác thu gom rác thải, nạo vét hệ thống cống, rãnh trong cụm dân cư để khơi thông dòng chảy, tránh tình trạng bị ứ đọng, gây ảnh hưởng đến việc thoát nước và môi trường của khu dân cư. Tổ chức phát hoang bụi rậm tạo mỹ quan môi trường trong khu dân cư. Tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống trên cụm, tuyến nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường, cảnh quan chung của cụm, tuyến. Thường xuyên cập nhật, theo dõi biến động của tổng số lô nền trên cụm, tuyến do thực hiện điều chỉnh tổng mặt bằng, số nền cơ bản và nền linh hoạt, báo cáo về Ban Chỉ đạo để theo dõi, quản lý đảm bảo tỷ lệ nền để dành bán linh hoạt không vượt quá 30% trên tổng số nền của cụm, tuyến. Trường hợp tổng số nền linh hoạt đề nghị bán vượt quá 30% tổng số lô nền thì phải báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đối với Sở Xây dựng, bổ sung trách nhiệm thực hiện phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng của cụm, tuyến dân cư và theo dõi biến động tỷ lệ nền cơ bản và linh hoạt trên cụm, tuyến để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định; phối hợp với các sở, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trên cụm, tuyến dân cư. Sở Tài chính hướng dẫn UBND cấp huyện về việc thu, nộp số tiền thu được từ việc bán đấu giá các lô nền linh hoạt và các lô nền, nhà ở; phối hợp với các sở, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trên cụm, tuyến dân cư...

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG