Tấm lòng người thầy giáo quê

08/03/2018 - 05:24

 - Ra mắt Cửa hàng “0 đồng” (ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) chỉ mới vài tháng nhưng số lượng quần áo ở tiệm lúc nào cũng đảm bảo cung cấp cho những “khách hàng đặc biệt”. Đây không chỉ là địa chỉ “thừa thì cho, thiếu thì nhận”, mà còn là tâm huyết của thầy giáo Dương Chí Công (sinh năm 1972, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh).

Từ ngày Cửa hàng “0 đồng” khai trương đến nay, quỹ thời gian của thầy giáo Công đã ít, nay lại thu hẹp hơn. Nhưng đối với thầy Công đó lại là niềm vui khó tả, khi thấy người nghèo có được nụ cười trên môi. Gần 4 tháng ra mắt, Cửa hàng “0 đồng” của thầy Công có khoảng 5-10 người khách đến chọn “mua” quần áo cũ mỗi ngày, thầy Công không quy định giới hạn số lượng quần áo khi bà con đến cửa hàng. Ai cần gì, thích gì cứ lựa chọn thoải mái, bao nhiêu tùy thích.

Song, ông chủ tốt bụng ấy không quên nhắc nhở bà con đừng bao giờ mang số quần áo cũ này bán lại. Vì như thế là phụ tấm lòng của các nhà hảo tâm, những người không ngại đường xa mang từng bao đồ đến tặng cho cửa hàng.

Thầy Công và vợ bên Cửa hàng “0 đồng” đầy tâm huyết

“Tôi học hỏi mô hình Cửa hàng “0 đồng” này ở xã Định Mỹ (Thoại Sơn). Ý định ban đầu của tôi là mở tiệm cơm 5.000 đồng. Tuy nhiên, khi chia sẻ với bạn bè, tôi nhận được lời khuyên là mở Cửa hàng “0 đồng” sẽ thích hợp hơn, vì sợ tiệm cơm “gãy gánh giữa chừng”. Còn mô hình quần áo cũ, tuy nhiều nơi đã thực hiện nhưng vẫn hữu dụng, có ích cho người nghèo, là phương án khả thi hơn.

Vậy là, tôi quyết định dành  diện tích đất trước nhà (20m2) xây dựng Cửa hàng “0 đồng”. Từ vận động bà con quanh xóm đến bạn bè, đồng nghiệp và một số nhà hảo tâm, cửa hàng của tôi nhận được lượng quần áo đáng kể, phục vụ tốt cho bà con nghèo” - thầy Công chia sẻ.

Để cửa hàng được khang trang, thầy Công dành khoảng hơn 14 triệu đồng để đôn nền, tráng xi măng, dựng cây, lợp tole... Số tiền ấy được trích ra từ tiền lương hàng tháng của người thầy giáo đang dạy ở Trường Tiểu học “A” Vĩnh Trạch (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn).

Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, thầy Công đưa mắt nhìn người phụ nữ đang ngồi xe lăn, đôi tay run run rồi nói: “Đó là vợ tôi. Hơn 2 năm trước, cô ấy phát bệnh rồi bị liệt 2 chân. Một cánh tay còn lại chỉ cử động nhẹ, suốt ngày cô ấy chỉ dành cho việc luyện chữ.

Nhờ có quán cà-phê trước nhà nên kinh tế không đến nỗi khó khăn. Dù không nói được nhưng khi nghe tôi nói về Cửa hàng “0 đồng”, cô ấy cười rất tươi và gật đầu đồng tình, ủng hộ. Cô ấy đã “tiếp sức” cho tôi rất nhiều từ khi đưa ra ý tưởng và mở cửa hàng đến nay”.

Có dịp ngang qua Cửa hàng “0 đồng” của thầy giáo Công nhiều lần nhưng bà Thái Thị Phụng (sinh năm 1960, ngụ xã Vĩnh Khánh) vẫn ngại, không dám vào. Chỉ đến khi được thầy Công bắt gặp bà đứng chần chừ trước cửa hàng và lên tiếng mời, bà mới dám chọn vài bộ đồ.

“Thấy tiệm mở cửa mấy tháng nay nhưng tôi không dám vô. Không ngờ thầy Công nhiệt tình quá, mời tôi lựa quần áo thoải mái. Hàng ngày, tôi làm mướn, đắp đổi qua ngày, tiền công “ba cọc, ba đồng” làm gì dám sắm đồ mới. Tết vừa rồi, tôi có mua gì đâu. Quần áo ở cửa hàng này còn mới, lại đẹp nữa. Tôi sẽ lựa vài bộ để dành mặc đi chợ và giới thiệu những người cùng cảnh ngộ đến đây” - bà Phụng vui mừng.

Không chỉ có quần áo, cửa hàng còn có các vật dụng khác như: tập, viết, giày, dép, nón… Nói chung, ai cho gì, thầy Công cũng trân trọng và bày trí bắt mắt để mọi người dễ chọn lựa.

“Thấy vài học sinh trong lớp nghèo quá, đi học chỉ mặc mấy bộ đồ cũ, nhăn nhúm đã ngả màu, tôi lấy quần áo của Cửa hàng “0 đồng” mang vào lớp cho các em” - thầy Công chia sẻ.

Không chỉ vậy, trên đường đi dạy, hễ trông thấy gia đình nào nghèo, thầy Công về gói bọc đồ cẩn thận đến cho. Mọi người ai cũng quý tấm lòng người thầy giáo ấy.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN