Vướng mắc khi mua bán trực tuyến

15/05/2019 - 07:39

 - Hiện nay, mọi người đã quá quen với việc mua bán trực tuyến (online) trên mạng xã hội, vì mức độ tiện lợi và nhanh chóng mà loại giao dịch này mang lại. Tuy nhiên, chúng rất dễ nảy sinh vướng mắc, khi người mua và người bán “không gặp” được nhau, phát sinh câu chuyện “bom hàng” (đặt mua rồi không lấy). Dưới đây là câu chuyện điển hình.

Chị Bùi Kim H. (ngụ TP. Long Xuyên) gửi đơn đến Báo An Giang: “Ngày 8-4-2019, tôi mua 5 hộp trà giảm cân từ chị Huỳnh Thị Xuân L. (ngụ quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ), giá 1,8 triệu đồng. Chị L. giao hàng qua bưu điện. Hàng tới, bưu tá điện thoại cho tôi vào buổi sáng, tôi đang đi làm nên hẹn lại vào đầu giờ chiều, nhưng không thấy bưu tá đến. Sau khi nghỉ lễ 3 ngày, bưu tá giao hàng gặp chồng tôi, chồng tôi kêu đầu giờ chiều giao hàng lại dùm, nhưng cũng không thấy anh ta quay lại. Hai hôm sau, chị L. cùng chồng đem hàng lên nhà tôi giao, tôi đi làm, chồng gọi điện nên tôi kêu đợi tôi về lấy liền. Tôi về nhà, định mở cốp xe lấy tiền, nhưng facebook của tôi báo chị L. đăng thông tin chửi tôi “bom hàng”, nhục mạ tôi rất nhiều. Trước đó, tôi tức giận nói không nhận hàng, chị L. quay video đăng lên facebook đòi tôi trả 200.000 đồng. Tôi không đồng ý, cãi nhau với chị. Chồng tôi đem 100.000 đồng đưa chị L. trả lại tiền ship (giao hàng), chị nhận tiền lên xe chửi, tiếp tục hăm dọa tôi. Khi về nhà, chị L. đăng video chửi tôi trên trang cá nhân cũng như các nhóm trên facebook. Buổi tối, tôi bị chị nhắn tin, gọi điện thoại chửi, đe dọa, kể cả đêm khuya”.

Một tin nhắn giữa chị H. và chị L. do chị L. cung cấp 

Chị L. giãi bày với phóng viên: “Chị H. nhắn tin đặt mua 5 hộp trà loại thường và 2 hộp trà VIP, nhưng muốn được mua giá sỉ để bán lại cho khách. Đến khi tôi giao hàng, chị than thở đang kẹt tiền, chỉ có thể lấy 2 hộp này, 2 hộp kia. Tôi vẫn thông cảm, chấp nhận bán số lượng ít giá sỉ cho chị. Khoảng 1 tuần sau, chị H. tiếp tục đặt thêm 5 hộp trà nữa, gửi bưu điện cho chị. Người giao hàng phản ánh liên hệ với chị H. không được. Chị H. gọi cho tôi, phản ánh không ai giao hàng cho chị. Liên tục 1 tuần, người giao hàng không thể gọi cho chị H. Tôi thấy chị online trên mạng, nên hỏi chuyện, gọi điện thoại... đều không thể liên lạc được. Tôi đến tận nhà, chị H. nói chuyện không tế nhị, đỗ lỗi do giao hàng không đúng giờ, thậm chí thách thức “thích thì đặt, không thích thì "bom hàng", giờ không lấy đó làm gì tôi?”. Tôi bỏ công sức, vượt đường xa đi giao hàng, gặp phải chuyện này cảm thấy rất bức xúc. Nếu chị H. lỡ đặt hàng mà không có tiền trả, chị nói chuyện phải trái, vẫn giữ liên lạc, xin chậm lấy hàng, thậm chí trả hàng, tôi vẫn hết sức thông cảm. Nếu ai cũng “bom hàng”, cư xử như chị H. thì người bán hàng sẽ mất vốn liếng, ôm hàng lại, còn gì là lợi nhuận. Tôi đề nghị phải có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những khách hàng như thế”.

Trên facebook của mình, chị L. đưa nhiều thông tin, video, hình ảnh và ý kiến bức xúc đối với chị H.; công khai số điện thoại, hình ảnh của chị H. để nhờ nhiều người "khủng bố" tiếp. Chị L. cũng thừa nhận bản thân có điện thoại, nhắn tin liên tục, bất kể giờ giấc cho chị H. để “xả cơn tức”. Tuy nhiên, chị L. lý giải mình hành xử như thế là bình thường. Chị L. chỉ điện thoại, nhắn tin, chứ không uy hiếp, hăm dọa giết người gì cả. Hiện nay, chị H. đã khóa máy để tránh bị “làm phiền”.

Theo luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh), chị L. và chị H. thỏa thuận mua bán hàng hóa trên facebook, đây là một giao dịch hợp pháp. Tùy theo đối tượng, chủ thể mà giao dịch đó sẽ bị điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự hoặc Luật Thương mại. Từ thời điểm 2 bên thống nhất với nhau (về số lượng, giá cả, chất lượng hàng hóa, địa điểm giao nhận hàng, thời điểm giao nhận hàng) đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên - trừ những giao dịch trái pháp luật hoặc hàng hóa cấm giao dịch. Cho nên khi thực hiện thỏa thuận mà bên nào vi phạm nghĩa vụ đối với bên kia sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. “Chị L. cho rằng, chị H. cố tình “bom hàng” của mình, cũng đồng nghĩa chị H. đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận mua bán (nhận hàng, trả tiền). Chị L. có quyền yêu cầu tòa án xem xét giải quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, chị L. không lựa chọn giải quyết mâu thuẫn theo hướng tích cực phù hợp, chọn phương thức xử lý tiêu cực bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin; đưa thông tin, lôi kéo người khác cùng tham gia chia sẻ trên mạng xã hội kèm theo hình ảnh chủ đích nhắm đến chị H. để thỏa mãn mục đích mạ lỵ, xúc phạm danh dự, uy tín chị H. Cho nên hành vi chị L. là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và sử dụng hình ảnh riêng tư của chị H. Việc điện thoại, nhắn tin chỉ dừng lại ở hành vi quấy rối, vì chỉ có người điện thoại, nhắn tin và người nhận cuộc gọi nhận tin nhắn biết với nhau mà thôi, nên hậu quả ở mức độ thấp. Tuy nhiên, chị L. lại dùng mạng xã hội để đưa ra những nội dung, thông tin, hình ảnh có nhiều người biết, xem, nghe, đọc, làm uy tín chị H. giảm sút, xấu hổ trước người khác. Hậu quả ở mức độ cao hơn, thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cao hơn (Khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng). Chị H. có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền xem xét xử lý chị L. theo quy định pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, cơ quan có trách nhiệm sẽ áp dụng pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự để xử lý đối với sai phạm của chị L.” -luật sư Phước phân tích.

KHÁNH HƯNG