Liên kết “4 nhà”
Với tổng diện tích 3,94 triệu ha, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Đây là vùng đồng bằng màu mỡ với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Song, bên cạnh những lợi thế và tiềm năng phát triển, ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phối hợp Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp tổ chức chuỗi chương trình “Bác sĩ nông học”. Mục tiêu của chương trình nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và các hệ lụy do tình hình biến đổi khí hậu gây nên. Chương trình có sự tham gia đồng hành bởi Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.
Chương trình “Bác sĩ nông học” giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp
Tại An Giang, chương trình “Bác sĩ nông học” được tổ chức tại 2 huyện: Phú Tân và Chợ Mới. Tham gia chương trình, ngoài các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật và sử dụng phân bón, chương trình còn thu hút khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo các địa phương và nông dân.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường cho biết, chương trình là nơi để nông dân giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học ở từng lĩnh vực. Thông qua các nội dung truyền tải giúp nông dân nâng cao nhận thức về tác hại của quá trình biến đổi khí hậu đối với canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân còn được tiếp thu các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tư vấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Ngoài ra, chương trình còn trang bị cho nông dân kiến thức về khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công tác thăm khám, phòng ngừa, điều trị các loại sâu bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi. Hướng dẫn nông dân tìm hiểu về nông hóa, thổ nhưỡng; chu kỳ sinh trưởng và phát triển của các giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, trang bị cho nông dân kiến thức sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương pháp canh tác khoa học phù hợp với từng địa phương. Qua đó, giúp tăng cường vai trò của Hội Nông dân trong vận động hội viên - nông dân tham gia liên kết “4 nhà”; thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao trình độ sản xuất
Tại chương trình “Bác sĩ nông học”, hội viên, nông dân còn được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực. Anh Nguyễn Văn Bé (ngụ xã Hiệp Xương, Phú Tân) đang lo lắng về tình hình lúa nếp bị vàng lá, đặc biệt là trong thời điểm cây nếp đang trong giai đoạn trổ bông. Mặc dù anh Bé đã sử dụng nhiều loại phân bón nhưng hiệu quả mang lại không cao, ngoài ra, tình trạng lúa, nếp vô hạt không đều khiến năng suất chưa đạt như mong muốn.
Hay như chị Huỳnh Thị Kim Linh (xã Phú Thọ), đến với chương trình với mong muốn được các chuyên gia hướng dẫn về cách phòng ngừa, điều trị bệnh trên gia cầm; cách phòng ngừa, điều trị bệnh cho cây sầu riêng hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm giúp lúa cứng cây, chống tình trạng đổ ngã...
Hầu hết các thắc mắc của bà con nông dân đều được các nhà khoa học, chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Từ các kiến thức thu lượm được tại chương trình, nhiều người nông dân đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch đầu tư, tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị các loại cây trồng trên mảnh đất của mình. Nhiều hộ nông dân sau khi tham dự chương trình tỏ ra phấn khởi khi được ban tổ chức cấp phát tài liệu hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi... đúng cách.
Ông Mai Phước Duyên (ngụ thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang) cho rằng, các kiến thức được các chuyên gia truyền đạt tại chương trình rất hữu ích. Không những giúp cá nhân ông mà nhiều hộ nông dân khác của huyện Phú Tân có thêm những kiến thức quý báu trong canh tác nông nghiệp.
Chương trình “Bác sĩ nông học” đã đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong quá trình canh tác để phòng, trừ dịch hại, đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và các hệ lụy do biến đổi khí hậu gây nên. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán canh tác của bà con nông dân để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nền nông nghiệp bền vững, từ đó giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
ĐỨC TOÀN