Quốc hội đã dành cả ngày làm việc thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tình hình quốc tế, khu vực hết sức phức tạp, thay đổi nhanh, khó lường, tác động đến chính sách đối ngoại, kinh tế của các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn bật lên nhiều điểm sáng trên mọi lĩnh vực. Điểm sáng thứ nhất là tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Nếu không có cơn bão số 3 vừa qua thì GDP nước ta không chỉ ước đạt khoảng 7%, mà có khả năng cao hơn. Thực tế, có thể giảm 0,15% đến 0,2%; dự báo GDP ước đạt 6,8%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%).
Đại biểu Trình Lam Sinh phát biểu tại thảo luận tổ
Điểm sáng thứ hai là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện lương tối thiểu tăng ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội cho phép. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm. Điểm sáng thứ ba là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được đặc biệt quan tâm.
Đóng góp tại phiên thảo luận tổ về tình hình KTXH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh nêu: “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quyết tâm phấn đấu tăng trưởng cả năm vượt 7%. Có thể nói, điều này cần sự phấn đấu rất cao trong những tháng còn lại trong năm. Do đó, tôi đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện 3 kịch bản tăng trưởng để chủ động, kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả giải pháp đã đề ra. Trong đó, cần tiếp tục tập trung vào các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), bổ sung các động lực tăng trưởng mới”.
Nhìn lại khu vực kinh tế trong nước, 9 tháng đầu năm 2024, hơn 86.900 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 14,7% so cùng kỳ năm 2023); gần 61.500 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, (tăng 33,4%); 15.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 18,9%). Bình quân 1 tháng, 18.200 DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường trên số DN tham gia thị trường 9 tháng của năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% năm 2023. Điều này minh chứng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. ĐBQH Trình Lam Sinh đề nghị Chính phủ tổ chức hội thảo, mổ xẻ vấn đề, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; nghiên cứu chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, giúp DN phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành lực lượng mạnh, góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.
Năm 2024, cả nước tập trung cho xuất khẩu, đầu tư công, nhưng đầu tư công lại giải ngân chậm. Qua 3/4 thời gian của năm 2024 mà tỷ lệ giải ngân chưa chạm mốc 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Cả nước mới giải ngân được 320.000 tỷ đồng (trên tổng số 743.000 tỷ đồng). Có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 40 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên mức trung bình của cả nước; giải ngân dưới mức trung bình thuộc về… 31 đơn vị, 23 địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (ĐBQH tỉnh An Giang) quan tâm đến “động lực đầu tư công”. Ông cho rằng: “Giải ngân vốn chậm làm giảm hiệu quả của đầu tư công. Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy lĩnh vực này. Dường như chúng ta chưa thực sự giải quyết vấn đề căn cơ nhất, như: Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ; quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất; đùn đẩy qua lại từ Trung ương đến địa phương, từ đơn vị này sang đơn vị khác…”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội tại kỳ họp 8 rất lớn, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển KTXH của đất nước trên tinh thần “Tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”. “Cử tri và Nhân dân rất kỳ vọng vào kỳ họp, chờ Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
GIA KHÁNH