An Giang khai thác lợi thế nông nghiệp

16/10/2020 - 06:29

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều ngành bị thiệt hại nghiêm trọng nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn có kết quả tăng trưởng ấn tượng. Vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế của ngành nông nghiệp đang tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới.

Vượt khó tăng trưởng

9 tháng của năm 2019, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh An Giang đạt mức tăng thấp nhất trong các năm qua (chỉ tăng khoảng 2,45%). Trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 khi chỉ tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 6,4%); khu vực công nghiệp - xây dựng dù duy trì mức tăng 6,85% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ (tăng 9,1%). Trong 9 tháng, chỉ duy nhất có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là có mức tăng cao hơn cùng kỳ 2019 (tăng 2,27% so mức tăng 2,11% cùng kỳ).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là xuất khẩu cá tra, tiêu thụ trái cây. Tuy nhiên, nhờ việc kích cầu tiêu thụ nội địa, các sản phẩm rau màu, cây ăn trái của tỉnh dần ổn định thị trường tiêu thụ và giá bán. “Riêng cây lúa, thuận lợi của năm nay là giá vật tư đầu vào giảm nhiều so cùng kỳ và giá lúa tăng khá cao. Đánh giá chung là lúa gạo năm nay “được mùa, được giá”, có nhiều thuận lợi. Nguyên nhân do một số nước tăng lượng dự trữ lương thực, giá xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa tăng” - ông Lâm phân tích.

Cây lúa phát huy được thế mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Từ thắng lợi vụ đông xuân và hè thu, ngành nông nghiệp chỉ đạo sản xuất vụ lúa thu đông 2020 theo hướng tăng diện tích nhưng vẫn đảm bảo an toàn, tận dụng thời cơ giá gạo và thị trường thuận lợi. Ông Lâm cho biết, do nhận định nước lũ về trễ và thấp hơn so cùng kỳ, nên vụ thu đông 2020 tổ chức xuống giống sớm hơn vụ thu đông 2019.

Theo đó, toàn tỉnh cơ bản xuống giống với diện tích khoảng 171.300ha lúa, tăng 14.000ha so vụ thu đông 2019. Nguyên nhân xuống giống vượt kế hoạch là do huyện Tri Tôn tăng diện tích xuống giống 10.800ha khi thấy lũ về trễ, đê bao được nâng cấp. Ngoài ra, do một số tiểu vùng không xả lũ; toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm diện tích nền đất lúa mùa trên.

Do xuống giống sớm nên lúa thu đông 2020 cũng thu hoạch sớm hơn. Do lúa trà đầu bị ảnh hưởng bão số 2 nên năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 5,2 tấn/ha. Tuy nhiên, dự kiến năng suất lúa bình quân toàn tỉnh vụ thu đông năm nay đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.001.195 tấn.

Chuẩn bị cho vụ đông xuân 2020-2021

Cùng với bảo vệ tốt vụ thu đông 2020, Sở NN&PTNT đã lên kế hoạch xuống giống cho vụ đông xuân 2020-2021 nhằm giúp các địa phương và nông dân chủ động trong sản xuất.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dự kiến kế hoạch diện tích xuống giống lúa, màu vụ đông xuân 2020-2021 là 249.369ha. Trong đó, lúa là 231.142ha (tăng khoảng 2.000ha so vụ đông xuân 2019-2020), rau màu là 18.227ha (giảm 500ha). Dự kiến, năng suất lúa bình quân vụ đông xuân 2020-2021 đạt 7,28 tấn/ha (tăng 0,11 tấn/ha), sản lượng khoảng 1,7 triệu tấn.

An Giang xây dựng lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân 2020-2021 căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho khu vực ĐBSCL; tình hình khí tượng, thủy văn; thời gian xuống giống theo từng tiểu vùng của vụ trước; diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh. Theo đó, tỉnh khuyến cáo khung lịch xuống giống bắt đầu từ ngày 1-11-2020 đến ngày 31-12-2020. Trong đó, lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy chia làm 2 đợt như sau: đợt 1 xuống giống từ 1-11 đến 25-11, xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông sớm, vùng xả lũ và vùng sản xuất 2 vụ/năm; đợt 2 xuống giống từ 12-12 đến 31-12-2020, xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông đại trà.

Về cơ cấu giống lúa vụ đông xuân 2020-2021, An Giang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong những năm qua là mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm: 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; cơ cấu 1 giống không quá 20%; phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, riêng giống lúa có gạo phẩm cấp thấp như IR50404, trồng giới hạn trong tỷ lệ 15-20%.

Thực hiện khuyến cáo sản xuất và khả năng tiêu thụ thị trường xuất khẩu lúa gạo năm 2021, tỉnh đề xuất các nhóm giống chủ lực cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 gồm: nhóm giống cao sản chất lượng cao (OM4900, OM9582, OM6976, OM5451, LT1, LT18…); đối với nhóm giống lúa thơm và lúa nếp (Đài Thơm 8, Jasmine 85, Nàng hoa 9, nếp AG (CK92), nếp CK2003...), khuyến khích trồng khi có hợp đồng tiêu thụ; nhóm giống bổ sung (IR50404, OM18...).

Đối với nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất gồm: Lộc Trời 7, OM9577, OM9605...

Đối với nhóm giống lúa Japonica (Hana, Kinu, Akita, Koshihikari, ĐS1…) và giống nếp, Sở NN&PTNT đề nghị không sản xuất tràn lan khi không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; khi sản xuất phải hợp đồng doanh nghiệp tiêu thụ và phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.

 

NGÔ CHUẨN