An Giang liên kết phát triển nông nghiệp

24/12/2020 - 05:57

 - Trong khi diện tích liên kết “Cánh đồng lớn” ở nhiều địa phương có khuynh hướng “co” lại thì tại An Giang, “Cánh đồng lớn” không ngừng “lớn” thêm. Kết quả này có được nhờ có sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) và nông dân. Trong đó, việc hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự bền vững của mô hình liên kết.

Doanh nghiệp đồng hành

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2020, đã có 42 DN ký hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang với diện tích 40.802ha, đạt 6,65% tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, có 20 DN thực hiện với diện tích 16.884ha, vụ hè thu 2020 có 12 DN tham gia với diện tích 10.504ha, còn vụ thu đông 2020 đã có 14 DN thực hiện với diện tích 13.414ha. So năm 2019, diện tích sản xuất lúa, nếp được thực hiện thu mua qua hình thức liên kết theo chuỗi giá trị đã tăng từ 31.190ha lên 40.802ha (tăng 9.612ha). “Kết quả này đạt được nhờ có sự đồng lòng, quyết tâm của các ngành, các cấp trong việc vận động nông dân, tổ chức nông dân, sự tham gia đồng hành của các DN cùng các HTX nông nghiệp”- ông Lâm đánh giá.

Liên kết sản xuất mang lại nhiều hiệu quả

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ các DN triển khai liên kết sản xuất thông qua khoảng 30 HTX và 20 tổ hợp tác (THT). Nhìn chung, các mối liên kết tiêu thụ nông sản đa phần đều có sự tham gia của các tổ chức đại diện nông dân (HTX, THT). Các tổ chức này có vai trò tích cực trong việc vận động nông dân, tổ chức thực hiện hợp đồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Các ngành của tỉnh thường xuyên thông tin cho các DN đã và đang có kế hoạch đầu tư tại An Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp, kế hoạch của tỉnh về phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để hỗ trợ DN gắn kết với các HTX hiện có. Tỉnh còn hỗ trợ thành lập mới HTX theo nhu cầu của DN. Mục đích cuối cùng là nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu của DN gắn với các HTX nông nghiệp trên địa bàn An Giang.

“Năm 2020, để đẩy mạnh hỗ trợ các DN triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, các sở, ngành tỉnh cùng với địa phương đã vận động và hỗ trợ thành lập mới 45 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh lên 178 HTX. Trong đó có 19 HTX được thành lập mới với sự tham gia góp vốn và nhân sự điều hành từ Tập đoàn Lộc Trời. Tỉnh đang xây dựng mô hình này hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời như một kiểu mẫu trong liên kết sản xuất để nhân rộng” - ông Lâm nhấn mạnh.

Hỗ trợ nhân rộng

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN liên kết tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định lâu dài, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất. Toàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, diện tích gieo trồng giống xác nhận trên địa bàn An Giang ước đạt 80% tổng diện tích canh tác, trong khi diện tích lúa chất lượng cao và nếp chiếm hơn 70% diện tích canh tác. Cùng với đó, 100% diện tích được máy cày xới, làm đất và 70% diện tích sạ bằng máy phun phân, máy cấy, máy gieo hàng.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, khi thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với DN, giá bán lúa của nông dân luôn đảm bảo từ bằng đến cao hơn so với thị trường từ 50-200 đồng/kg. Đối với một số giống lúa đặt hàng riêng, DN thống nhất giá cố định ngay từ đầu vụ và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm. Cách làm này giúp nông dân, HTX có thể tính toán trước được lợi nhuận, quyết định tham gia mô hình một cách chủ động. Với giá cố định cam kết, nông dân hoàn toàn yên tâm đầu ra, không phải lo lắng trước tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Thấy được hiệu quả của mô hình liên kết những năm qua, DN và nông dân, HTX càng tin tưởng tham gia “Cánh đồng lớn”. Ông Lâm cho biết, theo kế hoạch năm 2021 của 44 DN, diện tích đăng ký thực hiện liên kết tiêu thụ trong năm tới có thể đạt 109.000ha, gấp hơn 2,6 lần so năm 2020 (vụ đông xuân 2020-2021 là 44.775ha, hè thu 2021 là 29.825ha, còn vụ thu đông 2021 là 34.400ha). Trong đó, chủ lực vẫn tiếp tục là các DN đã thực hiện tốt nhiều năm liền, như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Angimex-Kitoku, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương… Đây là kết quả rất ấn tượng khi mà ở nhiều tỉnh ĐBSCL, diện tích “Cánh đồng lớn” có khuynh hướng “nhỏ” lại do mối liên kết giữa DN và nông dân thiếu bền vững.

Từ năm 2021, các DN sẽ đẩy mạnh tham gia liên kết với các HTX để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định lâu dài. Kế hoạch của ngành nông nghiệp An Giang trong năm tới là sẽ thành lập mới ít nhất 35 HTX để đại diện cho nông dân tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng lúa, nếp cho các DN trên tinh thần hợp tác lâu dài, cùng có lợi.

NGÔ CHUẨN