An Giang nỗ lực phục hồi chăn nuôi

06/01/2022 - 05:30

 - Ông bà có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo…”. Chăn nuôi dù cực công hơn trồng trọt, nhưng chiếm ít diện tích hơn và giá trị kinh tế cao hơn. Nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi, nhất là thời điểm đón Tết, mừng xuân sẽ tạo động lực và đóng góp đáng kể cho tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022.

Tăng về số lượng và giá trị

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang cho biết, đến cuối năm 2021, ước tính đàn trâu, bò toàn tỉnh khoảng 69.400 con, tăng 281 con so cùng kỳ 2020 (trong đó, đàn bò 66.800 con, chiếm 96,5%, tăng 223 con). Tổng số con trâu, bò xuất chuồng năm 2021 khoảng 28.900 con (tăng 3.000 con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.100 tấn, tăng gần 867 tấn so năm 2020.

Đối với chăn nuôi heo, dù giá heo hơi có xu hướng giảm so đầu năm 2021, nhưng với mức giá bán hiện tại (từ 45.000 - 50.000 đồng/kg) thì người chăn nuôi vẫn có lãi. Ước đàn heo toàn tỉnh thời điểm cuối năm 2021 có hơn 83.800 con (bao gồm heo con chưa tách mẹ), tăng 7.300 con so cuối năm 2020. Đàn heo tăng mạnh chủ yếu do nhu cầu thị trường luôn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi tăng quy mô nuôi. Năm 2021, số heo xuất chuồng hơn 109.300 con, tăng 18.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 9.840 tấn, tăng gần 1.570 tấn so năm 2020. Riêng sản lượng heo sữa đạt 162 tấn, tăng 47 tấn.

Theo Chi cục CN&TY An Giang, chăn nuôi gia cầm đang dần phát triển sang hướng tập trung với quy mô lớn để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả chăn nuôi. Đàn gia cầm hiện có khoảng 4,9 triệu con, tăng 261.000 con so cùng kỳ. Trong đó, đàn gà 1,2 triệu con (đàn gà thịt hơn 1 triệu con; gà công nghiệp 123.000 con); đàn vịt gần 3,7 triệu con (vịt đẻ hơn 3,2 triệu con, vịt xiêm khoảng 77.000). Tổng số gia cầm xuất cả năm 2021 hơn 4,9 triệu con (tăng 269.000 con), tương đương tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 9.600 tấn (tăng 590 tấn); sản lượng trứng gia cầm khoảng 406 triệu quả (tăng hơn 16,7 triệu quả so năm 2020).

Đàn heo đang phục hồi tốt do nhu cầu cao. Ảnh: MINH HIỂN

Đến nay, toàn tỉnh phát triển khoảng 900 nhà nuôi chim yến (tăng 30 nhà), tổng sản phẩm khai thác chim yến cả năm 2021 khoảng 7 tấn (tăng 1 tấn so năm 2020). Đây là loại sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao.

Năm qua, ngành CN&TY toàn tỉnh An Giang tiêm phòng vaccine đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; vệ sinh tiêu độc thường xuyên phương tiện vận chuyển, quầy, kệ bán thịt gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi. Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu phối hợp cơ quan liên ngành phun xịt sát trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời, phối hợp Trạm CN&TY huyện, thị xã, thành phố biên giới kiểm tra dọc tuyến biên giới về tình hình dịch bệnh và phòng, chống nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới.

Thu hút đầu tư

Thời gian qua, ngày càng có nhiều DN đến đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn An Giang theo hướng quy mô trang trại lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại. Dự án heo giống công nghệ cao Việt Đan của Tập đoàn THACO tại xã An Cư (huyện Tịnh Biên) thả nuôi heo nái và heo nọc giống Đan Mạch; trại heo giống Tri Tôn 1 (xã Lương An Trà) và Tri Tôn 2 (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) đang chuẩn bị mở rộng diện tích. Công ty THAGRICO An Giang (thuộc Tập đoàn THACO) có kế hoạch phát triển những trại nuôi heo thịt để đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và khu vực.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh An Giang (của Tập đoàn TH) đang tiến hành xây dựng chuồng trại. UBND huyện Tri Tôn đã khởi công mở rộng, nâng cấp tuyến đường kênh T4, kết nối từ dự án ra Quốc lộ N1 (xã Vĩnh Gia). Bên cạnh đó, còn có các dự án đang xin chủ trương đầu tư, như: Công ty Cổ phần XNK Xanh Việt đầu tư nuôi heo công nghệ cao quy mô 16.000 con; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao MPA đầu tư chăn nuôi 1.000 con bò sữa cao sản nhập khẩu và 500 con bò thịt; Công ty nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú đầu tư trang trại chăn nuôi vịt thịt quy mô 120.000 con/lứa.

Trên cơ sở kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp mời gọi DN đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi; xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa; tham mưu quyết định quản lý nuôi chim yến…

Định hướng thời gian tới của tỉnh An Giang là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào lĩnh vực chăn nuôi; củng cố, cải thiện chất lượng giống vật nuôi, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi. Bên cạnh khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ngành CN&TY An Giang cùng địa phương hỗ trợ thành lập thêm tổ hợp tác để liên kết nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, tìm giải pháp giảm giá thành để tăng hiệu quả chăn nuôi...

Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, tỉnh tiếp tục tìm đầu ra cho sản phẩm, mời gọi DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích chuyển diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi…

 

NGÔ CHUẨN