An Giang phát triển hệ thống logistics

24/06/2021 - 03:57

 - Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

 Xác định tầm quan trọng đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch phát triển hệ thống logistics giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu xây dựng và phát triển hạ tầng logistics đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, tạo động lực để phát triển hệ thống logistics của tỉnh.

Theo đó, tỉnh yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics, tập trung khắc phục hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hệ thống logistics với mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp, ngành. Phấn đấu đến năm 2025, đưa vào khai thác 1 trung tâm logistics cấp tỉnh; giảm 10% chi phí giao thông - vận tải trong tổng chi phí logistics. Phấn đấu hoàn thành 100% các dự án tuyến đường giao thông thủy, bộ và đưa vào vận hành, lưu thông trung chuyển hành khách, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân... góp phần nâng cao hiệu quả trong phát triển logistics trên địa bàn.

Tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu tập trung tại khu vực cửa khẩu, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân

Để thực hiện đạt mục tiêu đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh quan tâm phát triển các trung tâm, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản và phát triển các loại hình dịch vụ (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu). Phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư trung tâm dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, hướng đến hình thành một hệ thống dịch vụ logistics liên thông, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tập trung đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, liên kết nội bộ tỉnh và vùng, góp phần phát triển dịch vụ logistics.

 Để tạo nền tảng thu hút đầu tư, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, vận dụng các cơ chế, chính sách để mời gọi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, ưu đãi đặc biệt để các DN tự bổ sung vốn, thu hút vốn đầu tư trong dân cư. Tỉnh xác định các công trình, các địa bàn ưu tiên và quy mô ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chính sách, chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới.

Đặc biệt, nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình (huyện An Phú) lên cửa khẩu quốc tế đường bộ và mở lối thông quan đường sông; mở lối thông quan đường bộ thuộc cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, nhằm đảm bảo nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của các thương nhân cũng như cư dân biên giới 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Mỹ Thới

Cùng với quan tâm đến phân khu chức năng sử dụng đất hợp lý, đảm bảo phát triển hạ tầng logistics và hạ tầng thương mại, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; tăng cường liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

UBND tỉnh giao Sở Công thương thực hiện có hiệu quả các chính sách, hướng dẫn DN tiếp cận các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải. Khuyến khích đầu tư tư nhân, DN và mô hình hợp tác công tư (PPP) đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics và vận tải. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA), hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng.

Trong phát triển hệ thống logistics, An Giang quan tâm phát triển theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng, như: hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn hải quan, thuế, bảo hiểm, xuất, nhập khẩu, thương mại, kênh phân phối, bán lẻ...

UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển thương mại biên giới và logistics; hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh đảm bảo kết nối các trung tâm đô thị, các điểm du lịch, các khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu nông thủy sản tập trung và các hạ tầng logistics (bến cảng, bến xe...); phát triển loại hình vận tải đa phương thức...

Năm 2020, An Giang đã thực hiện hoàn thành 3 dự án cơ sở hạ tầng với 56km đường giao thông và các cầu trên tuyến; nâng cấp đường phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp đê ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên, đoạn từ Châu Đốc - cửa khẩu Tịnh Biên (Tỉnh lộ 955A); cầu Tân An - Tỉnh lộ 952 (TX. Tân Châu); nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ thuộc tuyến đường tuần tra biên giới hết hợp cứu hộ, cứu nạn và bao ngăn lũ (huyện An Phú)... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tiềm năng, thế mạnh trong liên kết vùng giữa tỉnh An Giang, Kiên Giang và Vương quốc Campuchia.

Hiện nay, có 6 dự án được thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư thuộc lĩnh vực logistics trên địa bàn An Giang với 45 chi nhánh, địa điểm kinh doanh; 7 DN kinh doanh kho ngoại quan và bến bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu ở biên giới và hơn 500 đơn vị đăng ký hoạt động kinh doanh kho bãi lưu giữ hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU