Lợi ích kép từ chuyển đổi cây trồng

06/05/2024 - 14:13

Nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang đã chuyển trên 8.000 ha đất canh tác tại những địa bàn khó khăn như ven sông, ven biển, trong vùng Đồng Tháp Mười, cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền… sang trồng màu, cây ăn quả và các cây trồng thích hợp khác. Trong số đó, nông dân chuyển sang trồng cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn quả đặc sản trên 1.600 ha tại các huyện, thị phía Tây.

Chú thích ảnh

Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí /TTXVN

 Nằm ở ven biển phía Đông, thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, huyện Gò Công Đông đã chuyển đổi gần 300 ha đất trồng lúa ven biển canh tác khó khăn sang trồng cây ăn quả, rau màu… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Dự kiến trong năm 2024, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 250 ha đất lúa sang trồng một số loại cây trồng kinh tế cao khác. Cụ thể, chuyển khoảng 170 ha đất lúa sang trồng rau màu, cỏ chăn nuôi... và chuyển khoảng 80 ha đất lúa sang trồng một số loại cây ăn trái như: thanh long, mít, bưởi, ổi, dừa... vừa có ưu thế phù hợp thổ nhưỡng địa phương vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Kiểng Phước cho biết, là xã ven biển của huyện Gò Công Đông nên địa phương này thường xuyên đối mặt thiên tai hạn, mặn, trồng lúa khó khăn, năng suất bấp bênh, những năm thiên tai coi như mất trắng. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, địa phương đã chuyển trên 100 ha đất ven biển sang trồng thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đồng thời, Kiểng Phước đang đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ lên 250 ha, gấp đôi hiện nay.
 
Nông dân Trịnh Văn Phúc, cư ngụ ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước là người đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ trồng lúa khó khăn sang trồng thanh long thích ứng biến đổi khí hậu cho biết, gia đình ông hiện có 1 ha thanh long ruột đỏ 5 năm tuổi. Với việc áp dụng khoa học - công nghệ thâm canh, nhất là xử lý cho trái theo ý muốn nhằm tránh thời điểm thu hoạch rộ dễ bị mất giá do cung vượt cầu, trung bình mỗi năm ông thu hoạch từ 8 đến 10 đợt, sản lượng 25 tấn trái/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi ròng từ 300-350 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa bấp bênh như trước đây.
 
Nhờ chuyển đổi sang trồng thanh long, từ một nông dân nghèo khó, thiếu trước hụt sau, ông Phúc đã tạo dựng cơ nghiệp bền vững trên vùng đất nhiễm mặn ven biển Gò Công đầy khó khăn năm xưa.
 
Huyện Gò Công Tây nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024. Trước dự báo diễn biến thời tiết, thủy văn bất lợi, hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, huyện đã chủ động thực hiện cắt vụ trên 200 ha và chuyển gần 400 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác.

Chú thích ảnh

Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, thời gian qua, nông dân chuyển đổi cây trồng tại những địa bàn khó khăn mang lại kết quả khả quan; rau màu và cây ăn trái trúng mùa, được giá, cho thu nhập cao, giúp bà con tạo dựng cơ nghiệp, đồng thời cho thấy tính bền vững của mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hâu tại địa phương. Nhờ kịp thời chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, mùa khô 2023 – 2024 hạn mặn khốc liệt nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không bị thiệt hại nghiêm trong, giảm nhẹ thiên tai, đời sống nông dân ổn định.
 
Qua khảo sát, trong mùa khô 2023 – 2024, trung bình 1.000 m2 đất trồng màu nông dân thu lãi từ 8 – 9 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 – 4 lần trồng lúa. Với cây ăn trái, thị trường tiêu thụ trái cây ngày càng được mở rộng, nhiều loại trái cây chủ lực tiếp tục tham gia vào chuỗi xuất khẩu như: sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối, bưởi... mang lại thu nhập cao hàng chục lần so với trồng lúa độc canh như trước.
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, để giúp nông dân chuyển đổi sản xuất địa bàn khó khăn thích ứng biến đổi khí hậu thành công, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt nhằm chuyển giao kỹ thuật thâm canh trên cây rau màu, lúa, cây thanh long, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, dừa xiêm chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của huyện như rau an toàn, lúa, thanh long...
 
Mặt khác, địa phương phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới trên lĩnh vực trồng trọt để tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, đảm bảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập cao. Cùng đó, tỉnh nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất giỏi; khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.

Theo TTXVN