An Giang phục hồi và khai thác thế mạnh nông nghiệp

17/02/2022 - 03:09

 - Vượt qua khó khăn năm 2021, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Với nỗ lực thu hút nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, tiềm năng, lợi thế của lĩnh vực này càng có điều kiện phát huy.

Lợi thế nông nghiệp được phát huy

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2021, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, tăng chi phí lưu thông hàng nông sản. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đã tích cực xây dựng các đầu mối liên kết để kết nối tiêu thụ nông sản, thành lập các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ nông dân bán được nhiều nông sản trong thời gian dịch bệnh.

“Được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp (DN), ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp, kịch bản, bám sát mục tiêu kế hoạch đề ra. Vì vậy, ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng đạt khá cao, góp phần rất lớn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh” - ông Lâm thông tin.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,22% (năm 2020 tăng 1,97%); nông nghiệp, thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt khẳng định thế mạnh khi tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 682.000ha, dù giảm 5.808ha so năm 2020 nhưng vẫn đạt 101% kế hoạch năm 2021.

Với năng suất bình quân cả năm đạt 6,535 tấn/ha, sản lượng cả năm đạt hơn 4,135 triệu tấn (tăng 121.000 tấn). Cơ cấu giống lúa được chuyển đổi theo hướng tích cực trong từng vụ sản xuất. Đối với cây ăn trái, diện tích đến nay đạt hơn 18.900ha, trong đó có gần 15.000ha cho sản phẩm (tăng 1.316ha so cùng kỳ), tổng sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt hơn 281.000 tấn (tăng 13.500 tấn).

Trong bối cảnh gián đoạn xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vùng nuôi cá tra của các DN và các hộ nuôi liên kết với DN vẫn duy trì sản xuất, tiếp tục thả giống mới sau khi thu hoạch. Cùng với tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, các DN chế biến thủy sản đang đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Đối với các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, không liên kết DN, đang có khuynh hướng chuyển sang nuôi các đối tượng khác, như: Cá lóc, cá trê lai, cá nàng hai… để đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa hiện nay.

Năm 2021, sản lượng thủy sản đạt hơn 507.000 tấn (giảm 4.200 tấn so năm 2020), trong đó sản lượng nuôi trồng (bao gồm nuôi lồng bè) đạt gần 492.000 tấn (giảm 3.900 tấn); tổng sản lượng thủy sản khai thác cả năm khoảng 14.800 tấn (giảm 324 tấn). Trong thủy sản nuôi trồng, sản lượng cá tra thu hoạch gần 409.000 tấn (chiếm 83,02%), giảm 5.000 tấn so năm 2020; các loại cá khác (cá lóc, rô phi, điêu hồng, cá trê, chim trắng...) khoảng 89.000 tấn (tăng gần 8.000 tấn); riêng các loại cá có giá trị cao (cá lăng, cá hô, cá ét, cá sát…) khoảng 440 tấn.

Năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, các loại dịch bệnh nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng trâu, bò, tai xanh heo, dịch tả heo Châu Phi đã được kiểm soát; tình hình dịch bệnh trên động vật nuôi được quản lý tốt. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, công tác hướng dẫn triển khai tái đàn được ngành chăn nuôi và thú y thực hiện ngay từ đầu năm 2021. Chăn nuôi gia cầm nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên quy mô đàn phát triển tốt. Quy mô đàn trâu, bò hiện nay khoảng 66.800 con (tăng 223 con so cùng kỳ); heo có khoảng 83.860 con (tăng 7.300 con); đàn gia cầm toàn tỉnh có 4,9 triệu con (tăng 261.000 con).

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, năm 2022 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm (2021-2025), có ý nghĩa trong phát triển nhanh tốc độ tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp là tiếp tục phấn đấu phát triển theo chiều sâu, tập trung vào tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ và tăng cường sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận, các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Trong xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2022 đạt khoảng 619.000ha (giảm 4.970ha so năm 2021), năng suất trung bình cả năm 6,5 tấn/ha (tương đương cùng kỳ), sản lượng trên 4 triệu tấn (giảm khoảng 5.000 tấn). Thay vào đó, tỉnh An Giang chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo, đặc biệt là phát huy công nghệ, lợi thế đầu tư, liên kết của Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty Angimex… Đối với hoa màu, tổng diện tích gieo trồng cả năm 2022 là 51.500ha (tăng 2.854ha so 2021). Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển cây ăn trái theo nhu cầu thị trường, DN tiêu thụ.

Phát huy lợi thế chăn nuôi, năm 2022, An Giang dự kiến đạt tổng đàn trâu, bò 71.900 con (đàn bò là 69.500 con, tăng 2.500 con); đàn heo 103.806 con (tăng 20.000 con); gia cầm gần 5,33 triệu con (tăng 465.000 con).

Với thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt khoảng 3.400ha (tăng 80ha), trong đó diện tích nuôi cá tra 1.354ha (tương đương 2021), diện tích ương giống 1.598ha (tăng 72ha). Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 dự kiến 521.000 tấn (cá tra 428.000 tấn, tăng 29.000 tấn); sản lượng giống gần 3,6 tỷ con (tăng 160 triệu con so năm 2021)…

Năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị tăng thêm 2,7% (giá so sánh 2010); tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 94%; có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 

NGÔ CHUẨN