An Giang quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng

20/02/2023 - 05:53

 - An Giang có đường biên giới dài gần 100km, 5/11 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia). Với địa hình đồng bằng xen lẫn đồi núi, nhiều sông ngòi kênh rạch, tỉnh có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế quốc phòng - an ninh quan trọng của khu vực ĐBSCL. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng luôn được chú trọng.

Nâng cao nhận thức

Công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước, được giao cho quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ. Những công trình này không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh, mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Việc xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, toàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội.

Trung tướng Đỗ Quang Thành phát biểu trong quá trình khảo sát tại An Giang

Thời gian qua, An Giang tổ chức hơn 2.700 hội nghị quán triệt, phổ biến, giới thiệu văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự… cho hơn 540.000 lượt người nghe. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, lực lượng chức năng phổ biến sâu rộng quy định về khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự. Qua đó, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, nhất là tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm.

“Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh, chỉ đạo cụ thể hóa thành đề án, quy hoạch, kế hoạch thực hiện theo lộ trình; điều chỉnh phù hợp với giai đoạn, tình hình thực tế của tỉnh. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh luôn chú trọng kết hợp với quốc phòng - an ninh và ngược lại, đảm bảo theo cơ chế thống nhất, vừa đáp ứng với phát triển KTXH, vừa tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bố trí thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Các công trình quốc phòng, khu quân sự được quản lý theo hiện trạng, có tường rào bảo vệ, mốc giới rõ ràng, lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu, phòng chống cháy nổ, bảo vệ đúng quy định” - đại tá Thạch Thanh Tú, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thông tin.

Sớm ban hành luật mới

Giữa tháng 2 vừa qua, đoàn công tác Ủy ban Quốc  phòng và An ninh của Quốc hội đã đến khảo sát tại tỉnh An Giang về kết quả thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đoàn tập trung khảo sát, trao đổi về công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị, nhân dân; công tác lãnh, chỉ đạo lập quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH gắn với nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; công tác đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự…

Tại đợt khảo sát này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ban hành từ năm 1994. Sau gần 30 năm, đã có nhiều luật, pháp lệnh có liên quan thay đổi, như: Hiến pháp, Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Từ đó, phát sinh một số bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi để sát với tình hình thực tế và hệ thống pháp luật mới được ban hành.

“Khi Quốc hội thông qua, ban hành Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bộ, ngành Trung ương có liên quan cần có hướng dẫn, quy định đầy đủ, kịp thời, tạo sự thống nhất đồng bộ trong thực hiện luật. Mặt khác, cần tích hợp các nội dung có sự đồng bộ vào hệ thống luật hiện hành. Dự thảo Luật được soạn thảo công phu, lấy ý kiến nhiều lần, kỳ vọng năm 2023 sẽ được Quốc hội thông qua” - ông Lê Văn Phước nêu ý kiến.

Tình hình quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự cùng ý kiến của tỉnh An Giang tương đối giống các địa phương khác đã được đoàn khảo sát trước đó. Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định: “An Giang là tỉnh có địa chiến lược quan trọng trong khu vực ĐBSCL, có nhiều thành tựu phát triển KTXH ấn tượng thời gian qua. Lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành đầy trách nhiệm, tổ chức nghiên cứu quán triệt, triển khai rất tốt chính sách, pháp luật liên quan bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự thời gian qua. Chúng tôi chia sẻ khó khăn, bất cập trong quá trình tỉnh An Giang tổ chức thực hiện, vì pháp luật liên quan đều cũ, chưa đồng bộ. Mong tỉnh tiếp tục nghiên cứu kỹ, chỉ ra vướng mắc ở thực tiễn địa phương; đóng góp tích cực vào dự thảo Luật, liên quan đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi tài sản công…”.

Năm 2022, Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai xây dựng dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, gồm 6 chương, 36 điều. Dự thảo đang được tiếp tục sửa đổi, chỉnh lý và thẩm tra.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích